Sao mai 2011: Chiếc áo yếm giữa thời hở ngực

Là cuộc thi được phát triển từ Liên hoan tiếng hát truyền hình toàn quốc vào năm 2001, Sao Mai trở thành món ăn tinh thần cho khán giả vào mỗi mùa thi cũng như giới thiệu được những giọng ca hạng nặng.
Tuy nhiên, nếu chẳng chịu "trở mình" rất có thể Sao Mai sẽ rơi vào quãng lặng và "bật bãi" ra khỏi đời sống.
Nhìn lại
Với hai năm một mùa, cuộc thi Sao Mai có thể xem là “đòn bẩy” để các giọng hát vút lên rồi hòa mình vào đại chúng. Đó cũng là cơ hội để các sinh viên từ các nhạc viện “thử lửa”, kiểm tra “nồng độ” kiến thức chuyên môn cùng những kỹ năng thanh nhạc mà họ đã dung nạp có “hội nhập” được với đời sống hay không. Từ cuộc thi này, người ta đã phát hiện ra những cái “mỏ” thanh nhạc như Trọng Tấn, Anh Thơ, Kasim Hoàng Vũ, Hồ Quỳnh Hương (1999), Khánh Linh, Ngọc Khuê (2003)… Đây là những giọng hát có thể xem là có chất và hoạt động khá hiệu quả trong khu vực của mình.
Dù không đình đám trên thị trường nhưng sự nghiệp của Trọng Tấn khiến nhiều người phải ngả mũ. Chỉ với Tiếng đàn bầu (nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc), Trọng Tấn đã làm bật dậy cảm xúc của giới chuyên môn lẫn công chúng trong đêm chung kết khi chạm được vào cái thần của ca khúc - cũng như với dòng nhạc mà anh theo đuổi sau này. Chỉ cần có như thế, hơn chục năm sau dù chẳng thiết phải làm mới mình thì cái tên Trọng Tấn vẫn lừng lững trên cái bục cao nhất của nhạc Việt.
Cũng từ cuộc thi này, Hồ Quỳnh Hương bắt đầu được biết đến. Đó cũng chính là nền tảng để Hồ Quỳnh Hương tự tin hơn khi Nam tiến gầy dựng sự nghiệp cho mình. Hay đáng nhắc hơn phải kể đến trường hợp của họa mi Khánh Linh. Từ cuộc thi này, người ta bắt đầu biết đến một giọng hát mềm mượt như nhung và trong vắt như suối nguồn với một thẩm mỹ âm nhạc ổn định. Hiện Khánh Linh vẫn đang là một nơi để người ta kỳ vọng cho thế hệ diva tiếp theo.
Ca sĩ Trọng Tấn
Và như thế, trong các mùa thi khán giả cũng ít nhiều tiếp cận được những giọng hát kinh viện để củng cố cho năng lực nghe của mình. Ở góc độ nào đó, cần phải thừa nhận rằng cuộc thi này đã nâng cao thị hiếu đám đông.
Và thở dài...
Thế nhưng, cần phải nhìn thấy rằng thị trường ở ta là một kiểu thị trường trẻ, cực kỳ năng động và rất chịu va chạm với cái mới. Nhất là lúc công chúng có quá nhiều kênh giải trí cũng như thừa mứa các sản phẩm dành cho tinh thần. Điều này lý giải cho câu hỏi vì sao Con đường âm nhạc (VTV3) mỗi ngày một nhỏ lại và đang đứng trước nguy cơ rơi vào ngõ cụt.
Con đường âm nhạc giờ đây chỉ còn là nơi các ca sĩ xếp hàng ra hát những sáng tác của nhạc sĩ nào đó cùng dăm ba câu phỏng vấn vu vơ. Thiếu sáng tạo trong khâu kịch bản cũng như công tác dàn dựng, Con đường âm nhạc hiện nay trờ thành con hẻm nhợt nhạt, thiếu dấu ấn và có khoảng cách thăm thẳm với những lần đầu ra mắt. Cái cũ cũng “ám” cả vào Bài hát Việt để mỗi năm Bài hát ấy bé dần, chưa kịp bám vào đời sống thì đã đang nằm trong tình trạng thoi thóp. Không khó để nhận thấy trong những năm trở lại đây, chương trình này chỉ giới thiệu được những sáng tác lửng lơ, bảo nghiệp dư thì tội cho kẻ sáng tác mà bảo chuyên nghiệp thì công chúng thiệt thòi.
Cũng cần thấy rằng, Sao Mai Điểm Hẹn - một format phóng khoáng, cởi mở hơn Sao Mai rất nhiều và từng được xem như một làn gió mới làm tươi các cuộc thi tiếng hát truyền hình thì trong năm vừa qua cũng trở nên cũ kỹ, già nua khi đứng cạnh cơn bão Việt Nam Idol  nếu chẳng muốn nói ở mùa giải vừa qua Sao Mai Điểm Hẹn đã bị Việt Nam Idol (vừa mới mẻ, vừa lắm trò vì lắm tiền) bóp nghẹt.
Trở lại với Sao Mai, không khó để thấy rằng cuộc thi từng được cho là danh giá nhất của làng truyền hình Việt Nam đang bị công chúng thờ ơ bởi sự mỗi ngày một cũ đi của nó. Bằng chứng là hàng loạt các thí sinh đoạt giải cao nhất trong cuộc thi này trong những năm trở lại đây chẳng ai còn nhớ tên (chưa kể đến mặt). Chẳng ai còn nhớ những Lê Xuân Hảo, Trần Thị Hồng Nhung, Bùi Lê Mận, Nguyễn Thị Việt Hà - những thí sinh đoạt giải cao của dòng thính phòng và dân gian ở mùa thi 2009 là ai. Sau cuộc thi, họ lặn sâu rồi mất tích.
Có thể lý giải những cái tên vừa nêu theo đuổi những dòng nhạc kén khán giả nên họ không được cánh truyền thông để mắt nhưng ngay cả những thí sinh của dòng nhạc nhẹ cũng cùng chung số phận. Đỡ hơn chăng là khi Sao Mai khép lại, các thí sinh này được đặc cách vào cái lò Sao Mai Điểm Hẹn - vốn được cho là nóng hơn, đại chúng hơn mà Mỹ Như, Hoài Thu là những đơn cử.
Các Sao Mai Điểm Hẹn 2010
Và như thế, ở góc độ nào đó, người ta nhìn thấy Sao Mai - một cuộc thi quy mô toàn quốc giờ đây chẳng khác nào trở thành một vòng sơ khảo cho Sao Mai Điểm Hẹn. Dù đoạt giải cao nhất từ cuộc thi này nhưng vẫn phải nhờ một cuộc thi khác để công chúng biết đến. Nhưng ấy chỉ là những trường hợp may mắn (như Kasim Hoàng Vũ, Ngọc Khuê, Hà Linh…) bởi có trường hợp mà sau khi đã trải qua cả hai cái lò của VTV thì con đường đến với âm nhạc của họ cũng mịt mờ, u ám mà trường hợp của Trần Hoàng Nghiệp là một ví dụ cụ thể. Thí sinh này được giải nhì dòng nhạc nhẹ trong mùa thi Sao Mai 2007 và được giải nhất (do khán giả bình chọn) ở Sao Mai Điểm Hẹn - diễn ra một năm sau đó, nhưng đến giờ hiếm ai nhớ đến anh.
Hẳn nhiên, sự tỏa sáng của một giọng ca nào đó còn phụ thuộc vào thời thế và có cả yếu tố may rủi nhưng không thể không nhìn thấy Sao Mai là chiếc áo đã trở nên quá chật chội, tù túng so với sự đòi hỏi của công chúng hiện nay. Với lợi thế của truyền hình, VTV vẫn có thể quảng bá rộng rãi cho cuộc thi của mình nhưng cuộc thi này có tạo được hiệu ứng xã hội để thu hút được công chúng hay không lại là một câu chuyện khác. Để tác động được vào đời sống chẳng còn cách nào khác ngoài việc BTC của Sao Mai cần phải  có sự đổi thay mạnh mẽ, cả cách làm, cách nghĩ để cập nhật mình với xu hướng chung của thời đại.
Đến hẹn lại lên, Sao Mai đang được VTV khởi động cho một mùa thi mới. Song, xem ra, với những gì mà BTC đưa ra ở mùa giải năm nay thì sự đổi thay vẫn có nhưng chẳng bỏ bèn gì với việc kèm thêm hai giải thưởng, một giải đặc biệt, một giải do khán giả bình chọn. Với sự chuyển mình theo kiểu nhỏ giọt và có phần rón rén thế thì khó mà tin rằng số phận Sao Mai 2011 sẽ đỡ hơn mọi năm. Bởi cơ cấu giải thưởng nửa chuyên môn, nửa khán giả giờ đây đã lỗi thời vì cả Ban giám khảo nào đấy lẫn khán giả nếu muốn chấm cũng chẳng cần phải đợi đến Sao Mai.
Ví von tý, Sao Mai chẳng khác chiếc áo yếm e ấp giữa thời mà người ta đang thi nhau hở ngực. Đẹp hay duyên không chưa biết nhưng đã thấy nguy cơ lạc lõng, lỗi thời và nằm vắt vẻo bên lề đời sống.

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))