Showing posts with label truyện ngắn. Show all posts
Showing posts with label truyện ngắn. Show all posts

Vẩn vơ trên khóm mai vàng

Có đến mấy năm, Khang không gặp Thái, nay đột ngột Thái đến nhà, anh hơi ngạc nhiên. Nom Thái không còn phong độ như trước, anh như một nông dân lam lũ thấy rõ. Những nếp nhăn sâu như dao cứa ngang dọc đã làm biến dạng khuôn mặt sáng láng của ngày nào, giờ nom cứ như bức tranh lập thể toàn một màu đất sét của Picasso Khang cảm giác Thái không phải đến chơi, mà là có việc cần. Vừa ngồi vào ghế, Thái vào đề ngay:
“Tôi bí quá, anh có thể cho tôi mượn
hai triệu?”.
“Làm việc gì vậy?”.
“Cưa bom”.
“Cưa bom?” – Khang nhướng mắt, hỏi lại.
Thái móc bao thuốc Bastos từ túi quần, rút châm một điếu: “Mười ngày sau tôi trả”.
“Lấy liền à?”
“Lấy liền”.
Khang chần chừ:
“Nhưng anh phải nói tôi nghe thủng đã. Cưa bom là sao? Để làm gì? Ở đâu? Tại sao phải có hai triệu?”.
“Thế thì... tôi cảm ơn anh”. - Vừa nói Thái vừa đứng dậy.
Khang lật đật níu bạn ngồi xuống:
“Từ từ, đừng nóng”.
Khang biết tính Thái, hễ dự định việc gì, là thực hiện ngay. Thái như một mũi tên, một khi đã đặt vào chiếc ná của ý tưởng, mũi tên lập tức vút đến đích ngắm hành động. Sở dĩ Khang hỏi vặn là thực tình anh muốn biết, hơn nữa muốn kéo dài thời gian chờ vợ đi chợ về, vì tiền vợ cất. Để hạ cơn sốt ruột của bạn, Khang liền đi lấy hai lon bia 333 trong tủ lạnh, đặt xuống bàn, giọng vui vẻ:
“Giải khát tí đã. Chờ vợ tôi đi chợ về, sẽ có tiền ngay. Bà cụ dạo này ra sao?”.
Thái cầm lon bia, lật bật kéo khuy kêu
cái “xẹt”:
“Suy lắm... Cả thể xác lẫn tinh thần. Đột ngột, những đường nhăn hai bên khóe miệng sâu xuống và tóm vào, trông thật dị kỳ. – Thái hớp ngụm bia, nói tiếp – Mệt lắm. Không khỏe chút nào”.
“Anh đi cưa bom? Đùa hay thật? – Khang cười, nói tiếp giọng lo ngại - Nó nổ tan xác pháo anh đấy”.
Thái cười gớm ghiếc. Nụ cười ngang tầm thần Chết:
“Không tan đâu. Dùng rô bốt cưa máy. Tôi cưa mấy trái rồi”.
Nghe thế, Khang giật mình:
“Té ra, anh mượn tiền mua máy cưa?”.
“Không, máy có rồi. Mượn để chi phí”.
Khang thật sự muốn biết việc này, vì nó mới lạ đối với anh. Anh đứng dậy mở tủ lạnh lấy xâu nem chua và hai lon bia nữa:
“Anh nói rõ hơn việc cưa một trái bom tôi nghe coi. Xin lỗi vì tôi tò mò muốn biết”.
Thái từ tốn uống một hớp bia nữa:
“Anh muốn biết thật à? Chi vậy?”.
“Thuần túy là hiếu kỳ”.
Thái nói chậm rãi:
“Trước tiên, muốn cưa một trái bom, trái bom ấy buộc phải nằm xa ủy ban nhân dân xã”.
Khang cười cười:
“Sợ sập ủy ban chớ gì? Lo lắng cho Nhà nước gớm nhỉ”.
“Không. Nếu gần, ủy ban biết được, sẽ lấy trái bom ấy”.
“Ồ, hóa ra vấn đề là thế. Tôi hiểu rồi. Nhưng làm sao anh kiếm ra trái bom?”.
“Dân tộc thiểu số người ta chỉ”.
“Họ không chỉ chính quyền à?”.
“Không. Họ chỉ chính quyền chi? Trong khi họ chỉ chúng tôi, họ có tiền. Ngay cả cọp cũng thế, họ chỉ cần mách chỗ có cứt cọp, họ cũng vẫn có tiền”.
Tôi nín thinh. Quả thật, Thái nay khác hẳn. Còn nhớ lúc trước anh là một tay thơ văn ướt át, tâm hồn nghệ sĩ lắm. Thế mà nay lại đi cưa bom và bắt cọp. Tôi chạm lon với anh:
“Nào, nói tiếp đi. Hay lắm. Mượn hai triệu để chi phí gì trong việc cưa bom?”.
Thái lại uống một hớp nữa, nói tiếp:
“Mua gạch, mua xi măng xây hồ và nhiều chuyện linh tinh ấy mà”.
Nghe thế, Khang không hiểu gì cả. Anh nhíu mày, hỏi:
“Xây hồ gì cơ chứ?”.
“Hồ cưa bom chớ hồ gì. Này nhá, chúng tôi phải xây tường xung quanh trái bom và cả phả nền nữa. Làm một cái hồ. Đoạn cho nước vào hồ ngập trái bom. Nước phải bỏ đá lạnh đấy. Phải đem cả máy phát điện đến, loại Honda một ký thôi. Đặt rô bốt cưa tự động”.
Khang vỡ lẽ, anh háo hức:
“Thế các anh ở xa trái bom chứ?”.
Thái cười kỳ dị. Cái cười của anh không phải nụ cười, mà chỉ là sự nhăn nhó làm hở hàm răng:
“Đương nhiên ở xa. Từ xa, chúng tôi nối dây vào và bật công tắc điện. Thế là máy cưa. Chỉ vài giờ là cưa lủng. Thiết kế hệ thống này, mất cả ngày trời”.
Khang thở xì:
“Có khi nào bị nổ không?”.
“Có. Muốn chết cưa nhanh, muốn sống cưa chậm. Nhưng trái bom ngập trong nước đá, không bị nóng do ma sát cưa. Hơn nữa, trái bom bị cưa lủng rồi, sẽ không bao giờ nổ nữa”.
Khang nhìn Thái, vẻ thích thú hiện ra mặt:
“Cưa giữa trái bom à?”.
“Ừ, hoặc ở gần chóp cũng được”.
Khang thẳng lưng, vươn tay, lại thở xì:
“Tôi cứ ngỡ anh cưa bằng tay. Hai người ngồi hai bên trái bom mà cưa hì hục cho sứt ra. Anh uống tiếp một lon nữa đi. – Khang vừa nói vừa khui cho Thái – Anh uống đi. Lâu ngày gặp, chúng ta phải làm đủ chục”.
Thái khoát tay:
“Thôi, không dám. Tôi hai lon là vừa. Không như lúc trước đâu. Việc cưa bom không thể một người làm được. Ít nhất cũng phải bốn người. “Con beo” này nằm sâu trong rừng, loại gần cả tấn đấy”.
Thái vừa lột vỏ cây nem, nói tiếp: “Cả ngòi nổ, dài gần hai thước. Chúng tôi đã moi đất ló “hắn” ra rồi”.
Khang thắc mắc:
“Khi đào, anh không sợ bị nổ à?”.
“Phải cẩn thận chớ. Thông thường trái bom đầu to hơn đít, lại có hai hột nổ. Hột nổ chính nằm trước đầu, hột nổ phụ nằm sau đít. Riêng hột sau đít, vặn bù-loong là nổ, còn hột nổ đằng đầu, thốn đập vào sẽ nổ. Bom cũng như cọp nằm ngủ, đừng dại đập vào nó. Muốn đập, phải trói lại đã, mà phải đập có chỗ, không giỡn được”.
“Thuốc nổ và sắt phế liệu anh bán được bao nhiêu?”.
“Còn tùy. Như trái sắp cưa, phải trên ba chục triệu”.
Khang lại hỏi:
“Giá cả anh nắm vững à?”.
Thái cười:
“Vững gì! Họ cũng đếch cần! Sắt vỏ bom là sắt đặc, cực kỳ chất lượng, cũng chỉ khoảng chín, mười ngàn đồng/kg. Thuốc nổ thì có giá hơn, khoảng một trăm tám chục ngàn đồng/kg”.
Lúc này, vợ anh Khang đi chợ về. Chị chào và nhìn sững anh Thái một hồi mới nhận ra.
Chị hỏi:
“Nay anh làm gì mà không thấy đến?”.
Khang trả lời thay Thái:
“Anh ấy bận lắm. Làm kinh tế mà. Số là đàn heo anh Thái cũng sắp xuất chuồng, ảnh đến mượn mình hai triệu để vỗ béo, nửa tháng sau ảnh trả. Chỗ bạn bè, tôi hứa rồi, bà vào lấy cho mượn đi”.
“Ừ, được. Nhưng phải đúng nửa tháng đấy nhé?”.
Thái nói:
“Tôi đã mượn là trả đúng ngày. Có thể trả sớm hơn. Anh chị đừng lo”.
Chị Khang vừa đi xuống bếp, Thái nói với Khang:
“Tại sao anh không nói tôi mượn để cưa bom?”.
Khang cười:
“Lý do cưa bom, vợ tôi sẽ không đưa tiền cho anh mượn”.
“Tại sao?”
Khang cười:
“Phụ nữ họ luôn cụ thể và lo gần, nhỡ bom nổ “đùng” thì không còn người trả”.
Đột ngột, Thái hỏi Khang:
“Tại sao anh tin tôi cưa bom thật?”.
Khang sửng sốt nhìn Thái. Quả thật, Khang chưa nghĩ đến trường hợp này. Có thể lắm chứ. Khang hỏi:
“Thế ra anh vừa nói dối à? Anh mượn tiền làm việc gì?”.
“Thì cưa bom”.
Cả hai lại cười... Ồ không, chỉ có Khang cười, còn Thái nhăn nhó. Đột ngột, không khí trầm xuống. Có lẽ do câu nói gở của Khang chăng? Câu nói đùa “nhỡ bom nổ “đùng” thì không còn người trả”. Nhớ lại, Khang hơi hối hận. Lúc này, chị Khang đem tiền ra, đặt lên bàn:
“Đây. Anh cố gắng nhé, anh Thái”.
“Cảm ơn chị - Thái cầm tiền, nói tiếp - Cảm ơn anh”.
Đợi chị Khang đi xuống bếp, Thái nói tiếp:
“Thế nào tôi cũng đãi anh một trận nhậu ra trò. – Thái hớp một hơi dài cho hết lon bia, rồi xìa tay bắt tay Khang – Xin phép rút lui, lo công việc. Cảm ơn anh. Chào anh”.
Thái ra xe, nổ máy, phóng vút, để lại một làn khói vẩn vơ trên khóm mai vàng. Đột ngột, Khang nhìn theo, lòng thương bạn vô cùng. Một tình thương quyện tròn theo ý nghĩ vừa nảy sinh, rằng tiền cưa bom cũng như làn khói kia, chỉ là việc vẩn vơ trên khóm mai vàng...
Truyện ngắn của Ngô Phan Lưu
Việt Báo (Theo_NLĐ)

đánh đổi cuộc đời

Một cô gái khoác tay người đàn ông đứng tuổi bước vào nhà hàng. Nhiều cặp mắt hướng về họ. Người đàn ông trông rất đạo mạo, phong độ.


Cô gái mặc áo hai dây cũn cỡn đỏ chót, đằng sau khoét rộng, hở gần hết lưng. Cô mặc chiếc quần jeans trắng lưng trễ, khoe chiếc rốn có đính 3 viên đá óng ánh. Một bên hông của cô xăm hình hai con chuồn chuồn rất đẹp. Cô có dáng người thật chuẩn và cũng thật khêu gợi. Biết mọi người nhìn mình, nhưng cô không những không lúng túng mà còn õng ẹo đi như gợi tình.
Vừa ngồi xuống ghế, cô rút trong túi ra bọc khăn giấy ướt và lấy một chiếc lau trán cho người đàn ông. Như trêu ngươi thiên hạ, cô còn hôn chút chít anh ta, mắt nhìn tình tứ. Họ nói cười rất âu yếm. Cô gái hút thuốc thật điệu nghệ. Đôi môi tô son hồng cầu kỳ chúm lại, nhả ra từng vòng tròn khói như những chàng trai lão luyện. Cô uống rượu cũng không thua kém người đàn ông của cô.
Đôi mắt người đàn ông đã đỏ quạch, anh ta vuốt má nựng cô gái những lúc cô gắp thức ăn đưa vào mồm cho anh ta. Cô cẩn thận rút hết xương trong miếng thịt gà rồi chấm muối đút cho anh ta rất tình tứ. Họ bày tỏ tình yêu như ở chốn không người. Cô gái không hề biết ở cách bàn cô chưa đầy 4 mét có đôi mắt buồn đến tê tái đang nhìn cô chằm chằm.
Người con trai có đôi mắt buồn đó là bạn cùng lớp Đại học với cô. Cô gái ấy tên là Hòa. Anh vẫn nhớ như in dáng rụt rè của Hòa ngày mới vào lớp. Chiếc áo sơ mi hoa mới nhưng cái quần, đôi dép, và cả chiếc túi xách thì đã cũ. Hòa là hiện thân của một làng quê nghèo.
Đánh đổi cuộc đời, 8X + 9X, Bạn trẻ - Cuộc sống, đánh đổi, gái bao, đại gia, đua đòi, mải chơi, cám dỗ
Hòa trỗi dậy nỗi khát khao kiếm thật nhiều tiền... (Ảnh minh hoạ) 
Như sự đồng cảm của những người nghèo với nhau, anh thấy thân thiết với cô gái ngay từ phút giây ban đầu ấy. Anh giúp Hòa tìm nhà trọ, giúp Hòa làm quen với cuộc sống nơi đô thị. Anh giúp cô tìm việc làm... Nhưng làm gia sư được một thời gian ngắn thì Hòa thấy căng thẳng, bởi tiền thì ít mà mấy trò đó học dốt quá không sao dạy được nên cô bỏ dạy và chuyển sang làm cho quán giải khát.
Hàng ngày, nhìn những cô gái sang trọng, sành điệu, tiếp xúc với nhưng ông chủ đa tình, trong lòng Hòa trỗi dậy nỗi khát khao kiếm thật nhiều tiền để được mặc những bộ đồ sang trọng, để được tiêu xài xả láng không cần tính toán như họ. Chẳng phải nhìn đâu xa xôi, ngay cách ăn mặc, xài tiền của mấy cô đồng nghiệp cũng đủ làm cô ganh tỵ. Tiếng là làm công, nhưng họ thật sành điệu. Cô nào cũng có xe xịn, cũng mặc những bộ đồ mô đen, cũng dùng hàng hiệu. Các cô ra đường như những cô tiểu thư con đại gia.
Một hôm, có ông khách chẳng biết say hay tỉnh trêu Hòa: “Cô bé xinh quá, nếu đi với anh thì chẳng phải bưng bê gì hết. Anh sẽ cho em sung sướng suốt đời...” Hòa bị ám ảnh bởi câu nói ấy từ hôm đó. Hòa đem số tiền bố mẹ cho đóng học đi mua quần áo, đồ trang điểm. Ngắm mình trong gương với bộ đồ mới và trang điểm thêm tí chút Hòa cũng ngẩn ngơ. Cô ngắm mình trong gương, làm đủ mọi điệu bộ. Càng ngắm mình, cô càng thấy sung sướng, hãnh diện. Cô mơ màng...
Cuộc đời Hòa rẽ sang con đường khác từ hôm đó. Không có tiền, Hòa đã vay tiền hết thẩy mọi người để mua quần áo, đồ trang điểm. Được mọi người khen, Hòa càng ăn diện hơn. Tiền boa của khách không đủ trả nợ nên Hòa trở thành chúa Chổm, chủ nợ ngày nào cũng tìm đến đòi làm Hòa khốn đốn.
Thấy thế chị chủ quán hỏi: “Em có muốn kiếm tiền không? Rất dễ, vừa được tiền, vừa được đi chơi mà không phải làm gì, chỉ đóng vai bạn gái của những người chưa tìm được ý trung nhân để đi dự sinh nhật, hoặc ra mắt gia đình, bạn bè thôi...”. Hòa thấy chẳng có gì phải sợ, vừa được chơi, vừa được tiền - thế là cô đồng ý.
Lần đầu tiên đóng vai bạn gái của một anh chàng điển trai nhưng lại là gay, Hòa thấy thật thoải mái. Tiếp đó cô được thuê làm thư ký cho một ông chủ gần 60 vừa béo lại vừa lùn, mặt bóng nhẫy, mắt híp tịt như mắt lợn luộc. Nhìn ông ta Hòa có cảm giác buồn nôn, nhưng bù lại, ông ta trả rất hậu. Thế là Hòa đồng ý.
Đánh đổi cuộc đời, 8X + 9X, Bạn trẻ - Cuộc sống, đánh đổi, gái bao, đại gia, đua đòi, mải chơi, cám dỗ
Không có tiền, Hòa đã vay tiền hết thẩy mọi người để mua quần áo, đồ trang điểm (Ảnh minh hoạ)
Cô cùng ông ta đi dự hội nghị ở Đồ Sơn. Họp có một ngày nhưng nghỉ lại đó bốn ngày. Sau ngày họp, ông Giám đốc hỏi: “Em có thể về nếu em muốn. Nhưng nếu em muốn ở lại thì anh sẽ ký một hợp đồng khác với em!”. Một ngày bên ông ta Hòa đã quen mắt, không còn thấy ông ta xấu xí như lúc đầu gặp nữa.
Những món quà ông ta tặng cô quá xa xỉ khiến cô thấy ông ta như cao lớn hẳn lên, đôi mắt như to ra. Thêm vào đó, cái hợp đồng ông ta nêu ra thật hấp dẫn. Nó vẽ ra cho cô một tương lai thừa thãi, sung sướng mà cô không thể cưỡng được. Ông ta không nói cô là bồ nhí, không nói cô phải phục vụ ông tình dục. Ông chỉ nói: tất cả thời gian của cô thuộc về ông, không được đi làm tiếp viên nữa. Tiền tiêu vặt của cô là 1.000 đô một tháng.
Từ đó Hòa bỏ học luôn. Bạn bè thỉnh thoảng thấy cô bước ra từ chiếc xe BMW đài các, lịch sự cùng người đàn ông già. Thỉnh thoảng Hòa còn tự lái ô tô đến thăm đám bạn cũ. Cô mang đến cho bạn bao nhiêu là quà.
Nhưng nhìn ánh mắt bạn bè, Hòa thấy ánh lên những nét khinh khi, coi thường. Cô biết, khi cô quay lưng đi là những lời mỉa mai, chê trách. Biết thế, nhưng những lúc cô đơn, cô vẫn thèm được gặp bạn bè cũ.
Bẵng đi, không thấy Hòa đến thăm bạn cũ nữa, rồi chẳng ai còn nhớ đến cô, nhắc đến cô nữa. Vậy mà hôm nay anh lại nhìn thấy cô ở đây... Anh cứ lẩn thẩn nghĩ: Cô gái kia có hạnh phúc không nhỉ. Khi cô đã bán cả cuộc đời mình để được sành điệu?

Có con – Tác giả: Phan Thị Vàng Anh

Về đến nhà thì cũng đã mệt rã rời. Tuyền dù có tắm nước lạnh, uống trà dược thảo, bật cả hai bóng đèn cho sáng loà cái phòng con, thì cũng không thức được. Tuyền chui vào giường, tự nhủ, thì đi ngủ. Mình sẽ chỉ như thế này hai năm nữa thôi, rồi sau đó sẽ chỉ làm những gì mình thích, còn bây giờ thì ngủ.
hoa dep 3 thumb Có con – Tác giả: Phan Thị Vàng Anh
Trong giấc mơ, Tuyền thấy mình đi chơi với Khang. Tỉnh dậy nhớ lại cũng vui vui. Phải đến một năm rồi họ không gặp nhau, kể từ khi khai trương cửa hàng Tuyền làm việc. Tuyền không phải đợi lâu. Ngay chiều hôm sau, Khang gọi. Khang nói, Khang nhớ Tuyền, và muốn đi chơi. Tuyền cũng không tin vào câu nói này nhưng thấy cũng chẳng thiệt hại gì mà không nói : "Đêm qua Tuyền cũng nằm mơ thấy Khang!". Đến lượt Khang, chỉ trong điện thoại, cũng không giấu nổi vẻ nghi ngờ. Hai người ăn một bữa ăn cảnh vẻ và nhạt nhẽo trong một quán Huế. Lúc lấy xe, Khang hỏi: " Bây giờ mình đi đâu?". Tuyền hỏi lại:"Khang muốn mình đi đâu?". Ngoài đường, các phố đã ngập đầy nước. Mưa vẫn chưa dứt nhưng nhỏ hạt lại. Trong lùng bùng áo mưa, Khang nói, Khang muốn về nhà thay quần áo. Họ đi về nhà Khang.
***
Tuyền nói, chúng mình ẩu quá, coi chừng Tuyền có bầu. Đèn đường hắt vào cũng đủ soi cho Tuyền thấy Khang cười âu yếm: "Thì chúng mình nuôi nó!", rồi Khang sửa lại: "Khang nuôi!".
Tự nhiên Tuyền thấy thật là tình nghĩa khi nghe Khang khẳng định như vậy. Tuyền đi lấy khăn lau mặt cho Khang. Khi cái khăn chạm đến, Khang chợt rùng mình như muốn . Khang không quen nhìn Tuyền như thế, Khang quen nhìn Tuyền lạnh lạnh, khó hiểu rồi.
Họ nằm, nhìn lên trần nhà và nhắc lại những câu chuyện từ cách đó 10 năm, lúc mới vào đại học. Đó là những câu chuyện lần nào gặp cũng nói và đã chết cứng lại rồi, nhưng kẻ hứng, người tung, còn có đối thoại. Bây giờ, Tuyền nghĩ, lại có thêm một câu chuyện để cùng nói. Tuyền nhắc lại: "Nhỡ đâu Tuyền có bầu?…" – "Thì chúng mình cùng nuôi!", Khang vui vẻ lặp lại.
***
Tuyền thấy mình quan trọng hẳn và tự nhiên thành mỏng manh. Tuyền thấy mình bước đi có hơi chậm lại, và mắt khi nhìn có dịu đi. Tuyền bỏ uống kháng sinh, dù còn phải uống tới hai ngày vì Tuyền đang viêm họng, bài học vỡ lòng cô gái nào cũng biết là không nên uống thuốc khi đang có bầu. Tuyền cũng bỏ đi chơi đêm, sợ về cảm lạnh. Nghe nói ba tháng đầu bị cúm là quái thai.
Bây giờ, Tuyền chỉ nghĩ tới đứa trẻ. Tự nhiên, Tuyền nghĩ nó là con trai. Có thể vì Tuyền thích gương mặt Khang, với mũi dài và mắt xếch. Cũng có thể vì suốt 10 năm, chưa bao giờ Tuyền chắc Khang thuộc về Tuyền, nên một đứa con sẽ là một sợi dây ràng buộc, mà con trai ắt dây phải chắc.
Tuyền không đợi nhưng Khang cũng không gọi lại. Vả lại, Tuyền nghĩ cũng hơi sợ, gọi lại thì nói cái gì bây giờ, có bao nhiêu chuyện thì hôm nọ nói cả rồi. Nhưng Tuyền định sẽ có hôm Tuyền nói, Khang đừng lo, Tuyền nuôi con một mình. Chỉ cho Tuyền xin con được mang họ mẹ. Cái mà Tuyền mong chờ, cuối cùng, rất mơ hồ, là Khang phản đối. "Con Khang là của Khang!", Khang sẽ sừng sộ. Rồi Khang sẽ đưa Tuyền đi siêu âm. Khang sẽ đi sau Tuyền khi Tuyền bước lên cầu thang. Khang sẽ chở Tuyền đi làm vào những buổi sáng Tuyền gọi điện than mệt. Cả cơquan sẽ phải xì xào trước cái bụng mỗi ngày mỗi lùm lùm. Tuyền sẽ không khai ra cho đến một hôm chỉ vào Khang hào hoa: "Bố của con em đó!"… Tưởng tượng đến khúc ấy thì Tuyền chán oặt cả người. Không, Tuyền muốn bí ẩn mặc áo bầu, Tuyền muốn mọi người tức tối khi Tuyền không chịu nói đó là con ai. Nói ra, câu chuyện đã khép lại.
***
Nhưng Khang vẫn không gọi lại. Tuyền đi qua cái điện thoại và hơi thắc mắc, có nên gọi cho Khang không. Nhưng nói cái gì? Tuyền không thể rủ Khang đi chơi. Tuyền thích mắt Khang cười, thích gia cảnh Khang, thích ngồi sau xe Khang đi ngoài phố cho mấy cô nhìn nhìn, nhưng phải đi chung, đi riêng thì gượng gạo. Tuyền cũng nhớ là mình chưa bao giờ lo cho Khang. Có vẻ như khó khăn nào Khang cũng thoát ra được, không phải bằng tài khéo, không phải bằng thông minh, mà bằng sự vô tâm. Khang vô tâm nên không có gì chạm đến Khang được. Cho nên Tuyền thắc mắc, có con rồi, Khang có yêu con không?
Tuyền sẽ yêu con như thế nào, Tuyền chưa biết. Tuyền vào cơ quan họp, nghe các chị bàn chuyện con cái mà tò mò. "Có con thì sao, có vui không?", Tuyền hỏi. "Vui lắm, nhưng mà cực. Cỡ em không biết có chịu nổi không!". Tuyền nghĩ, chịu nổi chớ. Hai mẹ con tôi ở với nhau. Buổi chiều mẹ qua nhà trẻ đón con ra, con mặc quần áo toàn bằng vải trắng, đi giày đỏ ; mặc thêm một cái gi-lê cho ấm, đội cái mũ có quai vào, đeo khẩu trang và cầm bong bóng, hai mẹ con mình về… Tuyền đi vào nhà sách, thấy bán cuốn dạy chăm sóc trẻ con. "Vừa nhấc bé bạn vừa phải nựng nịu bé ", hình minh hoạ có em bé nằm ngo ngoe cười. Trong sách, người ta chơi với trẻ con, tắm cho chúng, cho chúng ngủ… như với búp bê. Nhưng khi chúng bệnh hay khóc lóc chắc không ai chụp ảnh. Những lúc đó, những lúc khó khăn đó, Tuyền khựng lại… Tuyền không thể một mình. Tuyền muốn gọi cho Khang: "Nếu Tuyền có con, Khang có phiền không?". Rồi Tuyền thấy việc đó vô ích quá chừng, Khang sẽ nói, không có chi, chúng ta sẽ nuôi, rồi lại im lặng không gọi điện thoại, biết đâu không gọi cả lúc "con chúng ta bệnh?".
Tuyền không chắc đã có đứa bé trong bụng chưa nhưng tình cảm dành cho nó đã bắt đầu phai nhạt. Bây giờ thì Tuyền không chắc mình có còn yêu đứa bé không nếu không có bố nó bên cạnh và chỉ còn nó như một cục nợ.
Tuyền biết, Khang chỉ cần gọi điện hỏi thăm thôi là Tuyền sẽ yêu đứa bé chưa rõ ràng này ngay. Nó quả thực không phải là đứa con của tình yêu nhưng ít nhiều lúc đầu cũng là tình cảm. Chẳng phải là Tuyền đã cúi xuống vuốt tóc Khang và nói Khang đừng hút thuốc nữa như nói với một ông bố của đứa bé trong bụng sao? Nếu không có tí tình cảm nào với Khang thì việc gì Tuyền phải nghĩ về đứa bé? Tuyền chưa đến tuổi để có bằng được một đứa con. Tuyền còn trẻ. Tuyền đi ngang cái điện thoại và kêu thầm, Khang ơi, gọi lại đi, cho Tuyền có lại cái tinh thần yêu trẻ. Khang không gọi lại, Tuyền cảm tưởng như cáithai không lớn thêm được nữa. Tuyền thấy thương nó. Nó như một đứa nhỏ chờ ba về mới chịu ăn cơm và đói lả, Tuyền nói, con ăn trước đi rồi ba sẽ về nhưng nó không nghe. Cáithai chờ đợi và giờ thì Tuyền không còn nhìn ra nó là con gái hay con trai. Trong óc Tuyền, nó rút xuống hình ảnh của một cái bào thai, nằm co co, đầu rất to, như trong mấy cuốn tạp chí vẫn hay đăng ảnh.
***
Một buổi sáng thức dậy, Tuyền tự nhiên thấy ghét Khang kinh khủng và ghét cả mình. Mười năm đã qua kể từ cái ngày đầu tiên Tuyền làm quen Khang trong căng tin trường. Tuyền thích Khang và thấy Khang vừa đẹp, vừa dễ mến, vừa không quý báu đến nỗi để Tuyền không dám đến làm quen trước. Nếu Tuyền thích Khang hơn, Tuyền đã không làm quen như thế. Nếu tình cảm của Tuyền dành cho Khang lớn hơn, Tuyền đã phải giấu đi vì sợ nó có thể bị sây sát. Rồi Tuyền rủ Khang đi uống nước, rủ Khang ôn bài mà không ngượng ngùng hay cân nhắc. Có những lúc Tuyền không thích Khang nữa, Khang cũng không được trân trọng đến mức Tuyền không dám nói thẳng ra. Tuyền không hề ân hận rằng mình có làm tổn thương Khang hay không, bởi lần nào gặp lại cũng vẫn thấy Khang tươi tỉnh như cũ. Có vẻ như Khang không nhớ chuyện gì cả. Tuyền thấy phí, nếu có yêu, ghét gì dành cho Khang.
Bây giờ, Tuyền ghét mình vì tự nhiên Khang rất không quan trọng như thế mà làm cho Tuyền phải đánh giá lại bản thân: "Mình xấu quá phải không? Mình lố bịch quá phải không?". Tuyền ước gì Khang gọi lại và rủ đi chơi để Tuyền từ chối, trật tự cũ như vậy mớimong thiết lập lại được.
Mình già rồi, Tuyền nằm và nghĩ. Đời một người đàn bà chán thật với tuổi xuân không dài và càng về sau càng chỉ là chịu đựng và thất thế. Nhưng trước nay mình vẫn nói là không phải chịu đựng nếu mình không muốn chịu đựng cơ mà! Khi nào chán quá thì mình chết. Chừng nào còn chịu được thì cứ sống, bởi vì ai mà biết được, nhỡ đâu ngày mai có một chuyện vui rơi xuống đời? Nhớ lại cái ý nghĩ về việc mình có thể tự quyết cuộc đời mình làm Tuyền thích thú. Tuyền bò dậy mở nhạc. Cái đĩa bị hỏng, giật cục. Mới đêm qua nó còn hát bình thường. Sự trục trặc đáng bực lúc đầu ngày này tự nhiên làm Tuyền nhớ đến đứa bé, nếu có nó, mình còn tự quyết được đời mình không? Hay là mình phải sống theo nó, ngay cả khi đời mình không vui. Mà nó là ai, nó chỉ là đứa con của một người bạn trai, chưa bao giờ mình thật yêu và bây giờ thì thằng ấy làm mình khó chịu. Tuyền bỗng thấy sự tự do của mình bị đe doạ. Tuyền không nghĩ tới chuyện đứa bé ngăn cản Tuyền đi lấy chồng. Tuyền cũng không sợ việc nó không cho Tuyền đi du lịch. Tuyền chỉ sợ, nó không cho Tuyền quyết định khi nào chấm dứt cuộc đời Tuyền. Tuyền sẽ phải sống ngay cả khi không muốn sống nữa, chỉ vì nó. Mà Tuyền biết, Tuyền không thể bỏ nó. Tuyền sợ đẻ con ra không phải như mua búp bê về. Búp bê chơi chán thì cho ai đó hay bỏ vào tủ xong quên hẳn. Con thì không cho được trong khi Tuyền cũng không chắc có một ngày nào mình sẽ chán con không.
Tuyền không muốn nghĩ nữa. Tự nhiên Tuyền sợ đứa bé không khỏe nếu Tuyền cứ nghĩ mãi như thế này. Tuyền thấy thương nó và thương cả mình. Tuyền nghĩ nó đang nằm trong hồ nước và những nghĩ ngợi đen tối của mình làm cái hồ nổi sóng. Nó sẽ rất mệt, Tuyền tưởng tượng, và rồi nó yếu thần kinh. Tuyền muốn hai mẹ con yên bình, Tuyền gọi cho Khang. Máy ở nhà Khang không ai bắt, chắc Khang đi làm. Tuyền gọi theo Khang ra đường, máy di động bảo là " Nghẽn mạch ". Không gọi được, Tuyền lại tự an ủi, thôi thế là may, biết đâu Khang nghĩ là mình muốn ràng buộc rồi nói nặng thì sao. Tuyền hú vía.
***
Bây giờ thì Tuyền đã không còn tưởng tượng ra nổi khuôn mặt của đứa bé vì thấy nó như không liên hệ gì đến Khang. Khang vẫn không gọi điện lại và Tuyền cũng mất hẳn sự đắn đo có nên gọi cho Khang hay là không. Tuyền không còn thắc mắc mảy may "Giờ này Khang ở đâu?". Tuyền không hề âu lo: "Hay Khang gặp chuyện gì?". Tuyền cũng chẳng còn thù oán hay trách móc. Tuyền soi gương và thấy mình tự nhiên khắc khổ. Đứa bé trong bụng bây giờ là của Tuyền. Một mình Tuyền đối đầu với nó. Buổi tối Tuyền lên kế hoạch chi tiêu nếu có nó. Một người giúp lúc mới sanh mà cũng có thể không cần, tự Tuyền xoay xở được. Tã và quần áo. Sữa và đồ chơi. Có nó Tuyền sẽ không đi làm thêm được, một mình lương chỉ đủ lúc nó không bệnh hoạn. Tuyền không tính phần Khang vào đây. Tuyền cộng bản dự toán lại và mệt mỏi khi thấy nó vừa khít tiền lương, không còn thừa lại một đồng nào có nghĩa là sẽ thiếu. Tuyền thấy vô lý quá và tức đến muốn đập nát cả cái máy tính. Tự nhiên một buổi tối nằm mơ thấy Khang, rồi hôm sau Khang gọi điện, và rồi Tuyền đang tự do hết mực bây giờ lại phải đau đầu vì cái kết quả của cuộc gặp nhau đó. Tuyền tức giận, mình đang thoả hiệp đây, và chuyện này sẽ đem đến những kết quả không thay đổi được. Mọi chuyện mình đều có thể thí nghiệm, trừ việc thí nghiệm có một đứa con. Mình không chuẩn bị để có việc này. Mình còn nhiều việc phải làm. Mình bắt nó làm người khi chưa chuẩn bị gì cho nó. Mình tung nó ra cuộc đời trong khi chính mình nhiều lúc muốn từ bỏ. Mình chưa muốn có con. Mình không muốn có con…
***
Nhưng Tuyền không phải làm gì cả, đứa bé ấy không có. Khi biết mình không có bầu, Tuyền đang ngồi trên xe lửa. Tuyền nằm lắc lư, lắc lư trên cái võng của một người đi buôn. Tự nhiên Tuyền thấy hụt hẫng và buồn vô kể. Không phải là buồn phát khóc hay là muốn chết, hay là nghẹn ngào; Tuyền chỉ thấy buồn, có phần hỗn độn vô lý, như những ngày thi căng thẳng vừa hết, như những năm học cực nhọc vừa xong, vừa nhẹ gánh vừa man mác… Mà so sánh như vậy cũng sai nốt, Tuyền chỉ thấy cuộc đời trước mặt mình thăm thẳm, mới cách đây ít giờ nó còn rõ ràng, các nhiệm vụ nó đặt ra đáng ghét, nặng nề, nhưng cụ thể… Tuyền thấy thương đứa bé không có thực ấy, mình đã tính toán chi li với nó, Khang cũng phải mất công trốn nó, mà nó có thực đâu. Tuyền định khi nào xuống ga rồi sẽ gọi cho Khang, giống như hồi bé chơi trốn tìm báo cho nhau: "Ra đi!", nhưng chỉ thoáng nghĩ thế thôi trong một giây rồi mất ngay, bởi hình ảnh của Khang tự nhiên mờ mịt. Nó mờ nhanh quá làm Tuyền cũng hoảng nhưng quả thực nó mất hẳn rồi. Tuyền không muốn nghĩ nữa, bây giờ thì không phải vì sức khoẻ của đứa bé, mà chỉ vì Tuyền muốn quên đi. Tuyền nằm lắc lư, lắc lư và ngủ thiếp đi, không nghe cả tiếng còi tàu rúc lên khi vào đến sân ga tỉnh lẻ…
Cuộc sống thay đổi..khi ta thay đổi….
Có con – Tác giả: Phan Thị Vàng Anh

Mối tình thứ tư

Con nhỏ mười sáu tuổi đến quán gần được một năm. Lúc đó nó ốm nhách đen thui, lơ ngơ láo ngáo trước đầu hẻm. Ai hỏi thì nó trả lời: Bị mẹ ghẻ dắt lên đây rồi bỏ lại. Mọi người trong quán cười cái rần: Bộ tưởng tụi này dễ dụ khị lắm hả nhóc? Giả nai để tìm cơ hội chôm chỉa chớ gì?
Tại sao lại để vai trần? Mùa này gió bấc đang về, không lạnh ư? Lại còn váy ngắn nữa, phong phanh quá chừng!
- Gió bấc thì gió bấc, lạnh thì lạnh nhưng tại sao không thể vai trần, váy ngắn?
- Tại sao không?
Tháng mười, bấc trở ngọn. Đi xe ngoài đường sáu mươi cây số một giờ da thịt giống như được phủ một lớp nước đá mỏng tang, không lạnh lắm chỉ vừa đủ rờn rợn người, vừa đủ dựng đứng những sợi lông trên cánh tay.
Quán tươm tất nằm lùi sâu trong con hẻm nhỏ, có lẽ vì thế nên ít khách vãng lai mà chỉ toàn là mấy gương mặt quen thuộc đến cũ mèm. Quán cà phê nhưng chẳng bao giờ mở nhạc. Khách đến quán mọi lúc đều nghe điệp khúc tranh luận đến phát ngán giữa cô chủ quán sắp bước qua ngưỡng băm và con nhỏ tiếp viên mặt non choẹt búng ra sữa mới mười sáu tuổi. Cô chủ lúc nào cũng ca cẩm chuyện con nhỏ mặc áo để lộ đôi vai trần trắng đến nhức mắt và diện những chiếc váy ngắn cũn cỡn trên đầu gối. Còn con nhỏ mười sáu tuổi luôn luôn trả lời một cách ương bướng rằng: Tại sao lại không?
Có lẽ đây cũng là lý do để quán không bao giờ mở nhạc, mà để dành không gian cho cuộc tranh luận bất tận về vai trần và váy ngắn. Vậy mà mấy vị khách cũ mèm kia như lại thích nghe, thích đến độ họ vừa lim dim đôi mắt, gật gù cái đầu, nhịp nhịp mũi giày như đang thưởng thức một bản nhạc trữ tình. Đánh cược một ăn mười rằng họ đã nghiện điệp khúc vai trần và váy ngắn. Giống như nghiện vị cà phê đắng nghét trộn nhiều bắp rang ở quán này khó lòng mà dứt ra được.
Con nhỏ mười sáu tuổi đến quán gần được một năm. Lúc đó nó ốm nhách đen thui, lơ ngơ láo ngáo trước đầu hẻm. Ai hỏi thì nó trả lời: Bị mẹ ghẻ dắt lên đây rồi bỏ lại. Mọi người trong quán cười cái rần: Bộ tưởng tụi này dễ dụ khị lắm hả nhóc? Giả nai để tìm cơ hội chôm chỉa chớ gì?
Lúc đó con nhỏ khóc ròng như mưa bấc. Chỉ có cô chủ sắp bước qua ngưỡng băm là tin lời nó, vì cô ta cũng vừa bị tình phụ lần thứ ba. Một người bị tình phụ, một kẻ bị mẹ bỏ rơi đồng cảnh ngộ nên dễ cảm thông.
Con nhỏ được nhận vào quán phụ việc kể từ đó và cũng từ đó quán được khách gọi tên là quán "đời tôi cô đơn". Lỡ mà có gặp khách sầu lữ thứ thì chắc dám ôm nhau nhảy xuống sông tự vẫn cho rồi vì buồn thấy mồ tổ, sống làm gì.
Con nhỏ mười sáu tuổi bây giờ đã đỏ thịt thắm da, mô đen ngất trời mây, coi tướng nó còn giống chủ hơn cả cô chủ sắp bước qua ngưỡng băm. Bà mẹ kia nếu gặp lại chắc phải hít hà tặc lưỡi tiếc đứt ruột vì phải chi ráng nuôi nó thêm vài tháng nữa cho thành như bây giờ rồi gả cho Đài Loan đếm tiền mỏi tay. Ừa, lỡ mà có gặp lại bả chắc tui chém bả mỏi tay quá!- Con nhỏ mười sáu liếc mắt đong đưa với khách. Nhưng mà đừng có dại đụng vô nó, có lần nó dám tát một ông khách dê xồm vì tội sờ mó lung tung, nó còn la toáng lên rằng: nó mới mười sáu tuổi non, đụng vô ở tù mười năm là cái chắc.
Cô chủ quán những lúc ấy bộ mặt buồn xo ngồi trong góc quán ngó ra chỗ con nhỏ mười sáu, thầm ước ao phải chi mình được như nó, thế nào mình cũng phản ứng như vậy nhưng vừa phải và tế nhị hơn để khách đỡ quê, bữa sau còn lui tới nữa.
Sau những lúc ấy, thế nào giữa cô chủ và con nhỏ cũng diễn ra cuộc tranh luận quyết liệt về chủ đề vai trần - váy ngắn như thế này:
Cô chủ:
- Tại mày lúc nào cũng vai trần - váy ngắn mát mẻ quá nên khiêu khích đàn ông!
Con nhỏ mười sáu gân cổ lên:
- Tại thằng đó dê xồm chớ có thấy gì đâu, không tin để con cúi xuống cho cô dòm thử!
- Vú mày bằng trái cau, có gì mà dòm. Cô chủ trề môi nhưng mắt lại liếc vào khe ngực của con nhỏ rồi cô len lén nhìn lại mình và thở dài áo não lắm.
- Sao cô? Đẹp ngon lành không cô? Con nhỏ hớn hở.
- Ối ngon lành cái con khỉ mốc, con nít hỉ mũi chưa sạch mà bày đặt. Ngày mai dẹp bộ đồ đó cho tao nhờ. Cô chủ phẩy tay làm con nhỏ cụt hứng. Thế nào ngày mai nó cũng kiếm một bộ ngắn hơn bữa nay để chọc tức và điệp khúc ấy được lặp lại một cách tự nhiên ngay giữa quán làm khoái trá cái lỗ tai của mấy gã khách đang ngồi đồng trong quán. Những gã này thầm nghĩ: Có lẽ cô chủ đang ghen với con nhỏ mười sáu tuổi vì nó mỗi ngày một tươi hơn hớn cứ diễu qua diễu lại trước mặt, còn cô chủ thì ngày càng giống như tàu lá rũ, khách đến quán chẳng thèm nói với cô một lời xã giao khách sáo mà cứ bu chung quanh con nhỏ mười sáu y chang như lũ ruồi đánh hơi được mùi đường cát trắng. Cô ta chắc là cũng muốn tống khứ con nhỏ đi cho khuất mắt nhưng lại sợ quán mất khách, đói nhăn răng nên thành ra cứ giữ nó lại và ngày nào cũng ca cẩm về vai trần và váy ngắn.
Một ngày, cô chủ buồn hiu hắt khi phát hiện con nhỏ có bồ. Thằng bồ chừng đâu trạc tuổi nó, mặc đồ hip hop, cử chỉ bộ dạng sành điệu lắm. Hai đứa choàng vai bá cổ ngay giữa thanh thiên bạch nhật, giữa biết bao con mắt tò mò hau háu của bọn khách đàn ông. Thằng này mới đến quán uống cà phê vài ba ngày là cùng, vậy mà đã thành bồ bịch. Thiệt tao không hiểu nổi mày nghĩ gì trong đầu, coi chừng nó chán rồi xù, ở đó mà khóc cha khóc mẹ! Trằn trọc lăn lóc tới khuya, cô chủ mới khẽ khàng nói với con nhỏ.
- Mệt cô quá! - con nhỏ gắt, nó xoay lưng lại phía cô chủ, nằm nghiêng về một phía kéo mền trùm kín đầu. Hơi đâu mà lo chi chuyện xa xôi, có yêu thì cứ yêu, chừng nào chán thì bỏ!
Cô chủ chưng hửng. Chưng hửng vì không biết ai dạy cho nó cái suy nghĩ lạ lùng như vậy. Chưng hửng vì cô ngờ ngợ rằng mình hình như đã lạc hậu so với con nhỏ cả thế kỷ. Chừng nào chán thì bỏ. Phải chi cô suy nghĩ được như nó thì bây giờ đỡ khổ hơn biết mấy. Có lần con nhỏ làm một phép tính cho cô chủ, nó tính: trung bình cô mất bốn năm để yêu và một năm để quên một mối tình. Tổng cộng là năm năm, nhân với ba lần gãy gánh như vậy phí mất mười lăm năm. Cô phung phí thời gian quá, thời buổi bây giờ chớ đâu có phải mấy chục năm về trước đâu. Cứ điệu này đến lúc chết cô ôm một cục tổ bố. Cô chủ hỏi nó: Cục gì mậy? Nó cười hì hì: Cục hận tình chớ cục gì! Kiếm đại thằng cha nào giàu sụ rồi nhảy vô xài tiền cho nó đã cái thân, ở đó mà đi tìm mối tình chung, không có đâu cô ơi!
Lúc đó cô chủ tưởng đâu nó nói trời nói đất cho vui, ai dè bây giờ nó làm thiệt vậy mới chết. Thằng bồ của nó là dân cậu ấm cô chiêu chính hiệu, con một của ông giám đốc doanh nghiệp tư nhân đang ăn nên làm ra trong tỉnh. Cô còn lạ gì cái thằng phá gia chi tử này, nó đã từng dắt một đứa con gái khác ở ngoài đầu hẻm đi bụi tuốt Đà Lạt ăn ngủ mấy tháng trời, tới khi con nhỏ kia mang ba lô ngược mới ló đầu về nhà năn nỉ ông bà già giải quyết hậu quả giùm. May phước cho nó là bên gia đình con nhỏ kia cũng là dân có tiền, có địa vị sợ mất thể diện nên dàn xếp êm thấm nếu không thì bây giờ chắc thằng đó đang nằm trong tù vì dụ dỗ trẻ vị thành niên. Bây giờ thì nó lại ngựa quen đường cũ đây mà, lại còn thay đổi khẩu vị nữa, chán con gái ở thành thị nên chiếu tướng vô con nhỏ ở nhà quê mới lột xác được vài tháng ở cái quán này. Xui xẻo cho con nhỏ quá chừng. Bây giờ thì con nhỏ đã lậm bùa mê thuốc lú của thằng đó rồi, dễ gì mà rứt nó ra cho được, cứng rắn với nó quá dám nó bỏ đi với thằng kia thì cũng như dâng cừu non cho sói. Cô chủ nghĩ ngợi hồi lâu rồi định kể cho nó nghe về mấy cuộc tình với những người đàn ông của mình nhưng con nhỏ đã thở đều đặn ra chiều ngủ say lắm rồi. Nhìn gương mặt không trang điểm của nó cô chủ lại chạnh lòng. Phải chi cô lập gia đình với người đàn ông đầu tiên của mình thì giờ này biết đâu con của cô đã cỡ tuổi của nó rồi. Cô nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên trán nó, lần đầu tiên cô thấy con nhỏ còn khờ khạo quá chừng.
Một bữa nọ, cô chủ thấy con nhỏ lúi húi soạn lại mấy bộ quần áo cũ hồi nó mới lên trên này, mấy bộ đồ nhăn nheo từ trước đến nay nó cất trong tủ, chẳng khi nào để mắt tới. Thấy lạ, cô hỏi:
- Mày tính đem đi đâu vậy?
Con nhỏ vuốt ve mấy bộ đồ cũ, giọng nhẹ hều:
- Con đem ra ủi rồi mặc lại!
- Trời đất, mày mặc mấy bộ đồ đó khách ai mà dám vô quán nữa! Cô chủ lại chưng hửng.
- Không, con mặc để về quê! Bà già bệnh hổm rày, hồi sáng gặp người quen nhắn tin cho hay. Chắc là không qua khỏi! Con nhỏ sụt sịt chừng như muốn khóc.
- Ủa, không phải mày nói gặp bà mẹ ghẻ kia là chém mỏi tay hay sao mà bây giờ lại về dưới?
- Nói là nói vậy chớ dầu gì con cũng từng gọi bả bằng mẹ, về gặp mặt bả lần cuối coi như trả nghĩa. Thôi, cô ở lại mạnh giỏi, con về dưới một thời gian.
Nói rồi con nhỏ thay bộ đồ hở vai ra mặc vào bộ đồ cũ hồi nó mới lên, quảy chiếc cặp sờn rách lên vai, xoay một vòng trước mặt cô chủ rồi nhoẻn miệng cười:
- Sao cô? Bây giờ trở lại gái quê chưa cô?
- Ờ, giống rồi đó. Còn thằng bồ của mày có đi theo về dưới trình diện bà con láng giềng không?
Con nhỏ cười ngất:
- Con cho nó de rồi cô ơi! Cái thằng nó tính con ngon ăn lắm, hôm bữa rủ đi mướn khách sạn tính lụm con, bị con đạp cho mấy đạp rồi xù luôn. Bữa sau thấy nó chở con nhỏ khác, ôm eo cứng ngắc.
Cô chủ nghe nó nói mà cứ ngớ người ra vì giọng nó không có vẻ gì là thất tình cả, không giống như cô cứ sau mỗi lần chia tay một cuộc tình là lại khóc đến cạn nước mắt, xọp xẹp đờ đẫn cả năm ròng. Yêu iếc gì mà lạ lùng vậy trời?! Nhưng vậy mà lại hóa ra may mắn cho nó, hỉ mũi chưa sạch mà bày đặt yêu đương lung tung.
- Con về dưới rồi ở trên này cửa nẻo buổi tối nhớ khóa cẩn thận nghen cô, coi chừng mấy ông dê xồm ở trong hẻm. Con thấy mấy thằng chả thèm cô chảy nước miếng. Cô còn bén lắm đó! Bước lên xe nó còn ngoái lại dặn dò cô chủ y như người đã lọc lỏi chuyện đời nhưng lại bằng cái giọng pha trộn không giống ai. Cô chủ cố bật cười để giấu đi một nỗi buồn đang nhen nhóm lên trong mình, lại một cuộc chia tay nữa, tuy không giống như những lần trước nhưng mối tình này cũng khó mà nguôi ngoai. Đời người là những cuộc chia tay – không biết ai đó đã nói câu này, nhưng sao lại vận đúng vào cô chủ quán cà phê nơi con hẻm nằm trong lòng thành phố nhỏ.
Cô chủ quán "đời tôi cô đơn" lúc này sao thấy bèo quá, chắc lại bị bồ đá nữa? Không phải bị bồ đá mà là cổ vừa chia tay mối tình thứ tư của mình. Với thằng cha nào vậy? Không phải thằng cha mà là con nhỏ mười sáu tuổi! Trời đất, vậy cô ta chuyển hệ hả? Chẳng gì cả, đơn giản đó là một mối tình giữa hai người cô đơn, vậy thôi. Cỡ như ông thì không hiểu nổi phụ nữ đâu!
Cô chủ nghe hình như có tiếng của mấy vị khách cũ mèm thì thầm trong góc quán về chuyện của mình, về mối tình thứ tư gì đó. Cô ngẩng đầu lên, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy ai. Quán vắng tanh vắng ngắt, chỉ có một ông khách ngồi ở chiếc bàn đặt khuất sau mấy chậu cây kiểng thỉnh thoảng len lén nhìn cô rồi mỉm cười một cách khó hiểu.
Không hiểu sao, cô chủ lại quay vào trong buồng, mở tủ lấy một bộ váy mặc vào và soi trước gương. Trong gương là một người khác đang chăm chú nhìn cô. Vai trần và váy ngắn. Đẹp cũng ác liệt đâu thua gì con nhỏ mười sáu tuổi kia.
- Gió bấc thì gió bấc, lạnh thì lạnh nhưng lại sao không thể vai trần, váy ngắn?
- Ừ nhỉ, tại sao không?
Ngoài đường, gió bấc không còn lạnh nữa!
Truyện ngắn của Lê Minh Nhựt

cậu bảo mẫu

Bé Riu được bốn tháng, chị Hai tui giao bé cho bà ngoại, cùng chồng đi học xa. Chỉ sau hai tháng, vừa lo việc nhà vừa chăm cháu, tóc má tui đã phờ phạc hoa râm. Một bữa nọ, má tui đi chợ về, hồi hộp:“Có người nhận chăm bé Riu”. Ngay chiều, có tiếng chuông cổng. Một người phụ nữ vẻ lam lũ, tay dắt theo một thằng nhóc chừng 10 tuổi, bé choắt cheo. Bà nói chuyện với má tui hồi lâu, rồi quay lại thằng con, giọng nghiêm mẳn: “Yên tâm ở lại đây với bác Tư nghe Cuộc. Lâu lâu mẹ ghé thăm”. Nói xong, bà xăm xăm ra cổng, bỏ lại thằng nhỏ đứng giữa nhà. 

Bé Riu được bốn tháng, chị Hai tui giao bé cho bà ngoại, cùng chồng đi học xa. Chỉ sau hai tháng, vừa lo việc nhà vừa chăm cháu, tóc má tui đã phờ phạc hoa râm. Một bữa nọ, má tui đi chợ về, hồi hộp:“Có người nhận chăm bé Riu”. Ngay chiều, có tiếng chuông cổng. Một người phụ nữ vẻ lam lũ, tay dắt theo một thằng nhóc chừng 10 tuổi, bé choắt cheo. Bà nói chuyện với má tui hồi lâu, rồi quay lại thằng con, giọng nghiêm mẳn: “Yên tâm ở lại đây với bác Tư nghe Cuộc. Lâu lâu mẹ ghé thăm”. Nói xong, bà xăm xăm ra cổng, bỏ lại thằng nhỏ đứng giữa nhà. 

Thằng Cuộc đã 13. Quê tận miền Trung, nó theo mẹ vào thành phố đã vài năm. Ngày đầu, má tui đưa nó cuộn tiền, kêu ra mua cả chục món bà rằn. Chưa đầy mươi phút, đã thấy thằng nhỏ trở về, cái giỏ nhựa đầy ắp, không thiếu một món. Má tui hỏi tới đâu, nó trả lời tới đó, rành rọt giá cả, chất lượng thực phẩm. Có lúc, ngồi lặt đậu que, nó quẳng qua bên một nhánh đậu sượng, dài giọng như ông cụ non:“Già đanh mà xoen xoét là tươi ngon lắm!” Má tui cười: “Bác còn lầm, nói chi con!” Má lại hỏi: “Nè, con đi chợ sao mà tài quá!” Thằng Cuộc thủng thỉnh: “Hồi mới vô Nam, mẹ con con đi bán rau dạo. Phải biết lựa thứ tươi ngon mà lại rẻ mới mong có lời chớ, bác Tư!” Tui tò mò xen vô: “Thế tại sao Cuộc lại chuyển sang giúp việc nhà?” Thằng Cuộc nhìn tui như nhìn một người ngớ ngẩn nhất trần đời: “Đi giúp việc tiền kiếm nhiều hơn. Lại không lo tiền ăn, tiền thuê nhà, vậy đó chị!”. Má lắc đầu cười, nụ cười hết biết trước một đứa trẻ sớm phải lo thu vén với đời. 

Má tui bắt đầu chỉ thằng Cuộc cách chăm bé Riu. Sáng sớm, đã thấy Cuộc tay xách bình thủy, tay cầm bình sữa, miệng la bài hãi:“Chờ một chút nghen Riu, anh pha sữa bé măm liền!”, rồi nó pha thoăn thoắt. Chẳng biết ai bày mà Cuộc cho bé ăn rất khéo. Riu đang nhệch miệng khóc, vào tay Cuộc bỗng nín lặng, mắt đen nháy ngước nhìn anh chàng vú em. Cuộc dỗ ngọt: “Ăn nhe. Anh cưng Riu!” Chốc chốc, Riu nhả núm vú, đăm đăm nhìn cậu bảo mẫu, toét miệng cười. 

Từ một đứa bé vàng ngắt như nghệ, bé Riu dần lớn phổng. Nhờ công của Cuộc, cứ buổi sáng, mặt trời ấm áp, thằng nhỏ xốc em bé lên vai, đi nghêu ngao trong sân, phơi nắng. Đến khi bé Riu bắt đầu ăn bột thì Cuộc ta một tay nấu cháo, xay bột theo sách. Rồi cũng chính tay nó bế em bé bên hông đi loanh quanh trong xóm, đút bé ăn hết đĩa bột. Con bé Riu luôn nhoài tay đòi Cuộc ẵm bồng. Thỉnh thoảng, tui còn nghe Cuộc trao đổi kinh nghiệm giữ con nít với mấy bà mẹ trẻ gần nhà. 

Một hôm, mẹ Cuộc ghé thăm. Má tui gửi tiền công của Cuộc, thưởng thêm một ít. Mẹ Cuộc lắc đầu: “Bà Tư giữ tiền, có gì lo cho thằng nhỏ giúp tui. Hãy coi nó như con cháu trong nhà!” Cuối tháng, má tui xin cho Cuộc học lớp bổ túc. Lắm hôm, nó vừa đưa võng em bé ngủ, vừa lõ mắt vào sách học bài. 

Hồi cuối tháng trước, mẹ Cuộc tới xin phép cho nó về thăm quê. Đúng một tuần sau, nó trở lại. Má tui hỏi: “Về quê vui không?” Thằng Cuộc đáp khẽ: “Dạ vui!” Má hỏi tới: “Sao mặt buồn vậy?” Bỗng dưng, thằng nhỏ khóc òa: “Con thương nhỏ út em con quá. Nó phải sống ở quê với cha. Nó lớn hơn bé Riu có xíu hà, bác Tư ơi!” Má tui sững sờ, lau vội vệt nước ứa ra nơi đuôi mắt

Nghe bởi trái tim

Ấy biết không, có một công việc part time rất thú vị, rất đơn giản, rất… có thu nhập, và lại vẫn giúp mình có thêm trải nghiệm – “sau này ra đời đỡ bỡ ngỡ”. Ấy có muốn thử không? Tớ sẵn sàng chia sẻ!

Thành thật… khoe: Tớ đang làm một trong các nhân viên trực điện thoại của tổng đài có tên là “Nghe bởi trái tim”. Dù là công việc part time, nhưng tớ có thể làm cả ngày. Vì tổng đài “xịn” đến mức nhân viên không phải ngồi ịch một chỗ đâu: mỗi người có một mobile riêng, và đấy, muốn tung tăng đi đâu thì đi, miễn là khách hỏi gì thì đều trả lời được (tất nhiên, trong một phận sự và giới hạn nhất định thôi. Mình có phải bách khoa toàn thư đâu?).

Nào, bây giờ ấy hứng thú hơn rồi chứ? Bắt đầu nhé!

***

Đầu tiên, ấy không phải lo lắng một milligam nào về “vấn đề chiều cao, vấn đề cân nặng”. Ngay cả đòi hỏi “giọng chuẩn, không nói lắp, không nói ngọng” cũng không cần thiết!

Ấy cũng đừng lo rằng mình: ngố, nhí nhố, trẻ con, lơ nga lơ ngơ chẳng biết gì .v.v. Tớ đây là một ví dụ điển hình cho tất cả những thứ đó gộp lại. Mà tớ, vẫn làm việc tốt đấy thôi?
Cực kỳ đơn giản, ở vòng phỏng vấn, ấy sẽ được đề nghị thử tư vấn một ca xem thế nào!
Sau đây, tớ sẽ trình bày nguyên xi ca tư vấn của tớ .

***

Cầm trong tay cái điện thoại rất xinh. Nó im lìm, trong khi tim tớ rung bần bật.
Và, khi nó kêu inh ỏi, rung bần bật, thì tim tớ - dường như đứng yên. Thu hết… dịu dàng, giọng tớ run run:
- Tổng đài Nghe bởi trái tim xin nghe!
- Alô. Cô, tôi muốn hỏi, có những chỗ nào tương tự như… hừm, nói lịch sự là trung tâm điều trị tâm thần, còn thẳng toẹt ra là… nhà thương điên?
- Xin lỗi cô… cháu không hiểu?
- A, thế nào nhỉ… à, hay như này: chỗ của các cô là ở đâu? Tôi muốn đến để được tư vấn… nội trú luôn! Tôi ăn ở ngủ nghỉ ở đấy luôn!
- Xin lỗi cô, tổng đài của cháu không cung cấp dịch vụ nào như vậy ạ. Nhưng, cô có thể nói rõ ràng hơn mọi chuyện, có lẽ cháu sẽ giúp cô được điều gì chăng?
- Giúp thế nào? Tôi điên mất thôi! Giời ơi! Muốn vào trại tâm thần cũng khó thế đấy!
Cụp! Một âm thanh khô khốc vang lên.
Liệu… có nhầm lẫn gì không? Tớ vừa nghe tiếng “cụp” hay “pằng” thế nhỉ? Mặt tớ méo xẹo nhìn Sếp tuyển dụng. Ngạc nhiên, thấy Sếp cười:
- Chờ đã!
- Dạ?
- Em hãy đợi một tẹo!
Tớ không hiểu Sếp có ý gì.
- Cho người ta một cơ hội, em hiểu không? Để họ một chút tĩnh tâm, rồi họ sẽ gọi lại. Nhưng em phải đợi. Chắc chắn, phải đợi!
Hơi ngạc nhiên với khẳng định như đinh đóng cột ấy, tớ gật đầu, ngồi đợi. Đợi y như chờ một cuộc hẹn.
Và không sai. Khoảng 3 sau, mobile tớ lại rung lên. Vẫn số máy khi nãy.
- Xin lỗi cô, vừa nãy tôi hơi không phải!
- Dạ, không có gì ạ. Giúp được cô tẹo nào là cháu vui rồi. Cô cứ gọi cháu bằng “cháu”, chắc cô cũng tầm tuổi mẹ cháu!
- Cám ơn cháu. Cô điên cả người với con bé nhà cô, mới nghĩ vào béng trại tâm thần! Nhưng vào đó cũng chả giải quyết vấn đề gì. Thôi thì, ờ, biết đâu cháu cũng tầm tuổi con gái cô, có lẽ cháu hiểu hơn chăng?
- Vâng, thế thì cô cứ nói đi ạ, cháu xem thế nào.
“Được lời như cởi tấm lòng”, cô ấy bắt đầu tuôn ra một tràng và tớ cố kiên nhẫn nghe hết, không chen vào nửa lời. Dù nghe thì cũng hơi ức chế. ấy có biết chuyện gì không? Cô ấy… dỗi con gái vì cô bạn này “béo như con heo, mẹ bảo phải giảm cân thì không thèm nghe!” (Nguyên văn lời cô ấy!)

***

Tớ mủm mỉm cười. Hình như các bà mẹ đều giống nhau thì phải. Cô này, nói y hệt… mẹ tớ!
- Cô ơi, thế cô khuyên bảo bạn ấy, cũng y như là cô vừa nói với cháu ạ?
- Ừ. Cô nói rõ ràng, đầy đủ thế đấy. Mà nó có nghe đâu!
- Cô à, thực ra thì những điều cô nói, tụi cháu biết hết. Có những điều tự tụi cháu nhận thức được, cô không phải lo lắng quá thế đâu! Cái chính là dẫu có biết, thì nhiều khi mình hơi thiếu động lực để thực hiện. Nên, thay vì ra rả khuyên can, cô hãy nghĩ xem có thể giúp bạn ấy có động lực như thế nào.
- Cháu nói rõ hơn đi?
- Thực ra, cháu cũng là một đứa có chỉ số BMI hơn mức bình thường…

***

Tớ thích bóng đá là một, nhưng thích đá bóng thì phải là mười! Từ hồi còn bé như cái kẹo, tớ đã lê la bóng bánh với tụi con trai (sau đó còn rủ rê được một hội con gái đá cùng!). Nhưng đến khi lớn lớn một chút, đám con trai không cho đá chung nữa. Và hội con gái ngày xưa, giờ cũng mỗi đứa một ngả. (À, tớ chợt nghĩ: có thể tại lâu không được đá bóng, tớ nhớ quá, nên mới “tròn y chang quả bóng”!)

Đợt vừa rồi, trường tớ tổ chức giải bóng đá nữ. Khỏi nói tớ vui đến thế nào! Nhất là khi lại tập hợp được một đội hình rất chi là ổn từ đám con gái (mà mình nghĩ rằng rất là tiểu thư) trong lớp.

Như một con tàu phá băng, đội tớ đánh bại từ đàn chị, đàn em, đến những đồng chí bằng vai phải lứa. Tớ quen và yêu vô cùng cái cảm giác mệt mỏi sau mỗi lần thắng cuộc.

Nhưng, có một trận – tớ đá dở chừng thì bỏ, cho dù không phải tại tớ mệt hay bị đau đến không đá nổi.

Đó là một lớp đàn em, rất nhiệt tình, rất hết mình thi đấu. Nhưng chỉ thế thôi, không một tẹo “kiến thức chuyên môn”. Thay vì đỡ bóng bằng đầu, các em ấy để bóng đập vào mặt (tất nhiên là rát thôi rồi). Đôi khi, chẳng va chạm gì, các em ấy loay hoay tự làm mình ngã!

Trong một lúc, tớ có bóng và đang lao đi, một đàn em xông ra ngăn cản. Và đáng ra có thể cản bằng cách khác, thì em ấy đâm thẳng vào tớ. Uỵch! Hai đứa cùng ngã. Nhưng em ấy không biết cách ngã, và đau hơn tớ nhiều. Lại chưa có kinh nghiệm chịu đau, thế là tèm lem nước mắt.

Dẫu không phải là lỗi của mình, nhưng tớ ân hận vô cùng. Nếu như tớ gầy hơn, va chạm hẳn không khủng khiếp đến thế!
Tớ quyết định mình phải gầy đi thôi.

***
- Đấy là bí quyết giảm cân không có trong bất cứ sách vở nào, của riêng cháu!
Tiếng cô ấy cười trong điện thoại:
- Thế con cô không thích bóng banh gì thì sao?
- Thì cũng có nhiều cách để bạn ấy nhận ra. Chân lý vẫn là chân lý, là cái mà mình hướng đến và mình nghe theo, nhất là với teen chúng cháu, đâu có ai bảo thủ! Mà chẳng riêng chuyện mấy kilô cân nặng, trong chuyện học hành, thi cử… nhiều lúc, tụi cháu cũng có những động lực rất kỳ cục và trời ơi như thế. Hơn nữa, chúng cháu lại hơi trái khoáy, không thích cảm giác mình phải làm theo ý ai. Đã biết A đúng, B sai, nhưng nếu cứ có người chỉ bảo mãi rằng đây là sai và thế kia là đúng, thì tụi cháu vẫn cứ nhắm mắt chọn sai cơ!

***
Kết cục thế nào ấy cũng biết rồi: Tớ được vào làm. Tất nhiên! Tớ đã thuyết phục được cả một phụ huynh cơ mà !
- Không, đó không phải là lý do chúng tôi nhận em! – Sếp tớ cười.
Tớ nhăn trán. Chợt mắt sáng lên, đầy hiểu biết:
- Vì em đã nghe bởi trái tim!
- Đúng. Và đã nói, cũng bởi trái tim. Thế là đủ!
Tất cả chỉ đơn giản vậy thôi, ấy ạ. Thu nhập của tổng đài là nụ cười và niềm vui của mọi người và mỗi lần lắng nghe là một lần trải nghiệm.

***

Nếu ấy muốn là một nhân viên như tớ, hãy nhớ: Nghe bởi trái tim và Nói bởi trái tim. Còn nếu muốn liên lạc với bất cứ ai ở tổng đài này, hãy quay số Mở lòng ra, ấy nhé!

À, thể nào ấy cũng ngạc nhiên cho mà xem. Vì có rất nhiều người xung quanh – mà ấy không ngờ, cũng là nhân viên của tổng đài này đấy!

Cái cây non đã lớn!

Chúc mừng những cây non đã lớn!

Thêm một lần, Khanh thẫn thờ hỏi Thuỷ:
- Đúng, chắc chắn và hiển nhiên là chúng ta chỉ còn buổi hôm nay rồi sẽ nghỉ Tết?
- 1000 lần, xin mày: Đúng!
- Ối giời ơi, buồn quá!
Ối giời ơi, 28 Tết, thiên hạ có kẻ... dở người nào không muốn nghỉ học? Hẳn trên trán nó cộp cái dấu “ngộ chữ” to vật vã. Chí ít cũng đeo quả đít chai tổ chảng!
Nhưng không. Chính cái mặt thẫn thờ + cái miệng rên rỉ ấy, hôm qua còn thoi thóp đếm từng phút cùng cái đồng hồ cát (cất công khuân từ nhà!), những mong sớm nghỉ Tết cơ mà!
Chuyện gì đã xảy ra, chỉ qua một đêm và trong một đêm đông rét run lập cập?
Xin thưa ngay: một sự chào đời với không bà đỡ nựng nịu, không tiếng khóc ré choé loé, cũng không có cảnh ông bố nhảy dựng lên sung sướng: “Con của tôi!”.
Vì đó là:
- Một- cái- cây- nảy- mầm!
- Ôi không... Có cái gì phình phường hơn không? – Thuỷ cụt hứng nhìn vẻ hơn hớn của Khanh khi thì thào “sự kiện vĩ đại” ấy.
- Mày không thấy điều này vô cùng đặc biệt à? Rét mướt thế, không vì đi học thì có đứa nào chịu chui ra khỏi chăn?
- Mà có đứa còn vờ ốm để cuộn tròn với cái chăn nhỉ!
Thuỷ đế thêm, Khanh lờ đi.
- Đấy, thế mà Em Cây của tao, hiên ngang và dũng mãnh và hùng hổ đội đất chui lên... Ôi, sao mà phi thường thế!!!


Thuỷ thở một tiếng thật dài, cho rằng ngán ngẩm có thể được tống ra hết theo đường... hô hấp. Nó chỉ muốn quạt vào mặt Khanh, rằng cái đồ “phi thường” là Trần Việt Khanh – 17 tuổi, lớp 12A2 trường Cây Bàng.
Trống hết tiết, Thuỷ ngỡ trống reo mừng dội từ ngực Khanh!
- Ohlalah, tao đi khoe đây!
Cười xoè xoẹt như bông thược dược, Khanh vút một cái ra hành lang, gặp đứa nào cũng túm lấy, hồ hởi:
- Mày ơi, cây của tao lớn rồi! Cái cây non của tao lớn rồi! Mày thấy nó giỏi chưa? Mùa đông rét như thế, nhiều bão bùng mưa gió thế mà nó vẫn lớn được! Chúng mày khen nó đi!!!
Ôi, thiên hạ quá quen mấy trò nhí nhố của Khanh rồi!

***

Hết giờ nghỉ. Nhưng chỉ khi cô giáo đặt chân vào cửa lớp, thì Khanh mới toe toe về chỗ. Thở chưa xong, nó đã xoàn xoạt xé giấy, cắm cúi viết. Không phải chép bài, mà là... viết thư ngăn bàn!
- Mày thấy không, mặc dù chỉ còn một ngày để được gặp mọi người và giới thiệu về Em Cây anh hùng, nhưng tao không đầu hàng số phận. Háhá...
Thuỷ chép miệng:
- Thủ công lắm! Sao mày không photo rồi rải truyền đơn khắp trường có phải nhanh không? Hay là đưa thông báo lên TV, hoặc ra thông cáo báo chí?
- Đúng là mày! Chả “pro” gì cả! Phải đi khoe trực tiếp và trực tiếp được khen thì mới sướng! Không nên hoãn cái sự sung sướng í lại, mày hiểu chưa? Làm những việc loằng ngoằng thế thì tao đợi Tết xong đi khoe cũng được à!
Nói rồi, nó chộp bút nhũ của Thuỷ.
- Vẽ hình minh hoạ cho hoành tráng!

Chỉ vì muốn đi khoe cho hết trường một cái cây nảy mầm mà có đứa không (thèm) muốn nghỉ Tết! Kinh khủng!

***

Tối. Chống cằm ngồi nhìn mầm cây bé xíu trong chậu nhỏ. Sau khi đã dùng... nĩa xới đất tơi lên và cẩn thận gắp ra từng viên đá. Sau khi đã lấy bình xịt tưới hoa phun một lớp nước êm như sương mai. Sau khi cái chậu cũng được lau cho bóng lộn!
Khanh cứ nhìn, nhìn mãi. Không biết phải làm gì nữa cho Em Cây “anh hùng”? Từ trường qua chỗ học thêm, vòng về nhà, cả hàng xóm láng giềng láng tỏi, cả họ hàng hang hốc, Khanh đã khoe được với khoảng vài... trăm người. Hừm, có lẽ cần thêm một người nữa. Chỉ một người thôi, kiểu “giọt nước tràn ly” í. Xong Khanh sẽ không lăn tăn nữa!
Ai nhỉ?
- Điệnnnn thoạiiiii!!!! Khánhhh!!!
Tiếng “Khanh” vút cao thành “Khánh” làm Khanh giật mình. Nó bổ đến chỗ điện thoại. Úi, sao nhiều “tạp âm” thế này?
- Cháu! Lâu lắm không gặp cháu! Có rảnh thì đến đây, đang party tất niên!
Khanh đơ cả người. “Chú” thầy và lớp học thêm Toán. Ôi không, lớp đội tuyển trùng giờ lớp Toán, nó bỏ lớp Toán hơn tháng nay...
- A, chú ơi, Em Cây của cháu đã lớn! Em í... ~!@#$%^&*()_+... Dạ, cháu đến ngay!
Rốt cục “giọt nước” đã “tràn ly” như Khanh mong muốn! Nó hí hửng xuống nhà, năn nỉ mẹ: “Con đi chút xíu, mai con được nghỉ rồi! Con sẽ làm bài tập Tết, dọn nhà, đi mua đồ, chuẩn bị đồ ăn giúp mẹ...”.
Thế là ra đường với con... mini chiến. Gió thốc qua tai vù vù. Chóp mũi như được đắp một cục đá. Tay nắm ghi đông như nắm khúc băng. Mà Khanh hớn hở vô cùng. Sẽ còn vài đứa lớp Toán để nghe nó khoe Em Cây...
Nhưng...
Trùi ui...
Những tiếng rin rít phát ra khi Khanh bóp phanh trong khi chân vẫn đạp đều đều.
Sao có một điều nho nhỏ kèm một điều to to mà nó lại quên béng thế này?
Cái cây. Cãi nhau.
Huhuhuhhh. Cái cây mọc lên từ hạt giống. Hạt giống là quà Noel của Chú thầy tặng nó và... nó cãi nhau với chú í, rồi lại nghỉ học đến bi giờ đây!

***

- “Chú” già Noel tặng quà cháu!
- Huraaa...
- Nào, quyền lợi phải đi kèm nghĩa vụ chứ! Nhận quà rồi thì nghe chú chúc cái!
Khanh nghển cổ “hứng” từng lời. Nghĩ thể nào chú cũng chúc chuyện thi cử. Ai dè...
- Cháu! 18 tuổi, lớn rồi. Bây giờ nói gì, làm gì cũng phải suy nghĩ trước sau. Không thể thích nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Mình không phải trẻ con nữa nhé.
Khanh bức xúc tuôn một tràng:
- Chú, cháu chưa có thời gian làm người lớn! Chú biết đi học có chuyện đúp lớp, cháu cũng đang bị đúp trong lớp người lớn đây! Cháu chưa lớn, cháu không muốn lớn và thực ra là cháu chả thèm làm người lớn!
- Hum... Biết thế!
Khanh... ôm quà đi về! Đúng là... chưa lớn! Bó tay!

***
Nhưng mà đã đến con đường với hai hàng xà cừ hai bên dẫn vào nhà Chú thầy. Đèn đường dát bạc như trăng, êm dịu. Khanh nhảy xuống, dắt xe. Còn lấn bấn chưa muốn vào.
Em Cây nằm im trong giỏ xe. Chả nhớ làm thế nào Khanh lại lộn lên phòng, tha em í theo đến party?
- Húhuuh! Khanh ơiii!
Những bóng người thấp thoáng trên ban công tầng hai của ngôi nhà quen thuộc. Chậc, thì... vào thôi!

***

Đặt Em Cây giữa “bàn tiệc”, trong lớp học nhỏ thân quen, bừa bộn mà ấm cúng. Cả lớp nhìn ngắm, gật gù. Tất nhiên là sau khi đã nghe Khanh khoe!
- Đây là em Mầm chứ nhỉ, như thế này ai gọi là cây!
- Nhưng mà em í lớn lên từ hạt! Em í đã lớn rồi! – Khanh gân cổ cãi.
- Cháu ơi, mưa xuân! Đem Em Cây ra đây cho mau lớn!
Chú thầy đứng ngoài ban công gọi Khanh. Sau cãi nhau mà hoà bình thế này thì... sao không nhỉ? Kệ. Nó lật đật ôm Em Cây, xông ra.
- Cháu ơi, cháu vô lý làm sao... Em Cây bé bằng móng tay thì cháu bảo em í đã lớn, còn cháu, không biết gấp em í bao nhiêu lần thì lại vẫn còn bé!
Ừ nhỉ! Khanh không biết nói gì, giả vờ dán mắt nhìn Em Cây hứng mưa.
- Cháu đến sao không vào ngay, loanh quanh ngoài kia làm gì? Tí nữa chú gọi điện về nhà!
- Cháu cũng sợ chú gọi thì mẹ cháu lại lo, nên đang định vào rồi. Tại lúc trước cãi nhau với chú... Mà, có phải vì thế mà party chả báo trước cho cháu?
- Hơ, trẻ con cần gì biết trước! Được đến dự là tốt chán!
Khanh quay sang nhìn chú, vẻ rất là cay cú.
- Quá đáng!
- Biết ngay mà. Bọn trẻ thời này ghê thật! Đụng đến nghĩa vụ thì bảo tôi trẻ con, nhưng dính vào quyền lợi lại kêu gào tôi người lớn! Này, chú nói cháu biết: thực dụng thế thì rõ là người lớn rồi đấy!
Mặt Khanh như làm bằng bánh đa bây giờ bị mưa ướt!
- Nhưng cháu ạ, biết nghĩ rằng có thể làm mẹ lo lắng, đó cũng là người lớn! Chà, cái gì chả có tính hai mặt?
Em Cây dù bé xíu nhưng Đã Lớn rồi. Và lại Vẫn Lớn nữa, thế mới hay!
- Khanh ơi, Khanh đã lớn rồi. Không phải từ chú, mà từ bất kỳ ai khi  nói câu ấy, đó đơn giản là một lời thương yêu và thật lòng mong muốn cháu hãy trưởng thành! Không có gì là gánh nặng đâu, cháu ngốc!
Khanh muốn nói, mà không tìm ra lời để nói.
- Thế nào nhỉ... Chú ạ, cháu muốn nói: không phải The tree is growing, mà là The tree grows. Chú hiểu ý cháu chứ?
Chú thầy lên mặt người lớn, xoa đến bù cả đầu Khanh!
- Thì chú cũng từng trẻ con cơ mà!
Dù mới chỉ là nhánh cây khẳng khiu lơ thơ những lá non, hay là cái cây xù xì một vòng tay ôm không xuể, thì xuân đến, những lộc nõn vẫn nảy nở, những cành lá vẫn vươn dài. Và rồi tán xanh vẫn xoè rộng mãi, rộng mãi... Dù muốn hay không, thì cây cũng đã lớn rồi. Từ khi cựa mình tách khỏi hạt, từ những búp lá đầu tiên... cây đã lớn rồi, cây ạ!

Nghe trong nhà vang những tiếng bùm bùm. Bọn kia đang lấy... bóng bay nện nhau.
- Yahahaahhh!!!
Chúng nó bắt đầu xông pha ra ngoài này.
- Cứu giá! Bảo vệ Em Cây!
- Không cho chúng nó thoát!
- Nện nhầm quân mình, Thắm ơi!
- Hưng, sao đánh lén tao!
...
Chí choé, ồn ào, huyên náo trong mưa xuân êm êm đổ bụi trên tóc, trên áo. Li ti và dịu mềm, nhẹ nhàng và huyền ảo như một lớp voan.
Mùa xuân... một nhành lá xanh tươi lộc xuân... Một nhành lá non...
...Một tình yêu chưa biết đến... Phút giao thừa lặng lẽ.
Và cây ơi, cứ lớn!

Sự tích cỏ ba lá

Chuyện kể rằng nơi thảo nguyên xa xôi, có một cây cỏ xanh nhỏ bé, hát ngân nga trong những cơn gió nhẹ, bài tình ca tặng cây bụi đứng bên. Cây bụi ơi sao chẳng ngoái nhìn, cứ mải mê ngóng những ong và bướm, cứ buồn bã vì mình không có được nét rực rỡ hướng dương hay thơm ngát nụ hồng… Cây bụi không biết có một kẻ hết lòng, tặng cho Cây cả tình yêu, niềm tin, hy vọng, dồn màu xanh vào ba cánh trái tim căng mọng, yêu đơn phương không mong đợi điều chi.

http://lh5.ggpht.com/_qv0h4lCJBL0/S_i8IXyH0VI/AAAAAAAAAEI/JO8-bsz1l9o/Trifolium-repens-co3la.jpg


Mỗi ngày mới khi màn đêm vừa đi, Cỏ ba lá ngước nhìn mặt trời với khát khao duy nhất, vầng dương ơi hãy lắng nghe tiếng lòng em chân thật, nguyện làm tất cả để Cây bụi được vui.. có thể chăng ban một đoá hoa thôi, là Cây bụi sẽ có được tình yêu của ong và bướm. Cỏ ba lá nhỏ nhoi nhưng tình yêu rộng lớn, có thể làm gì để thực hiện ước mơ? Trên thảo nguyên mây trắng vẫn lững lờ, gió bay qua thì thầm “cần một điều may mắn… chỉ khi nào Cỏ có bốn lá thôi…”

http://lh6.ggpht.com/_qv0h4lCJBL0/S_i8IjkvpWI/AAAAAAAAAEM/QLEkb3zT-TQ/co3la.jpg

Cỏ chợt buồn vì điều đó quá xa xôi, vậy ra trong cuộc đời không chỉ cần có tình yêu, niềm tin, hy vọng… Khẽ nghiêng mình ngắm ba trái tim bé bỏng, làm sao có được một lá thứ tư? Cây bụi đứng bên vẫn ủ rũ trầm tư, Cỏ ba lá run run “vì cây em sẽ…” Cây bụi vô tâm không nghe thấy có âm thanh rất nhẹ…tiếng một trái tim vừa tự vỡ làm đôi. Cỏ ba lá giờ có bốn cánh rồi, cây bụi nở bừng những bông hoa sặc sỡ, vui sướng hân hoan trong nắng vàng rạng rỡ, đâu biết dưới chân Cỏ đang héo dần đi…

http://lh4.ggpht.com/_qv0h4lCJBL0/S_i8JTi2nsI/AAAAAAAAAEQ/zMXbjdVxvy8/s512/co_3_la_1.JPG

Hạnh phúc khi yêu là được cho đi... tình yêu đó lớn đến vỡ đôi trái tim em xanh mướt, để nhắn nhủ những ai đang kiếm tìm: may mắn không tự nhiên có được, mà đến từ tình yêu và những trái tim biết sống vị tha.

http://lh3.ggpht.com/_qv0h4lCJBL0/S_i8JZxVfXI/AAAAAAAAAEU/nX7jzVfH9Xk/Co_3_la.jpg

Thêm 1 sự tích nữa về loài cỏ này
Chuyện kể rằng đứa bé trên thế gian cam đảm bước vào rừng sâu, đi mãi đi mãi qua bao thác ghềnh với một trái tim dũng cảm sẽ tìm được loại cỏ bốn lá (four-leaf clover) - loại cỏ sẽ mang lại nụ cười hạnh phúc mãi mãi - nụ cười hạnh phúc của trẻ thơ. Khi tìm được ngọn cỏ bốn lá, đứa trẻ sẽ đứng trong gió, đặt ngọn cỏ vào trái tim nồng ấm và hát khúc ca đồng dao. Mỗi lá trên ngọn cỏ tượng trưng cho một thứ quý giá nhất của cuộc sống.
Lá thứ nhất đó là niềm hi vọng
Lá thứ hai là niềm tin
Lá thứ ba là tình yêu.
Và lá cuối cùng là sự may mắn.
http://lh3.ggpht.com/_qv0h4lCJBL0/S_i8KPoW5TI/AAAAAAAAAEY/mZFoiFXb4ok/3738890580_3cd6b19ef3.jpg
Bốn món quà thượng đế ban tặng cho mỗi đứa trẻ khi chúng mới ra đời nhưng để tìm được chúng đứa trẻ ấy phải mãi đi tìm, tìm trong rừng sâu của cuộc đời với trái tim dũng cảm...Truyền thuyết vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay, và truyền thuyết mãi là truyền thuyết vì mỗi đứa trẻ sinh ra lớn lên mãi đi tìm công danh và sự nghiệp nên chúng lãng quên con đường tìm đến với ngọn cỏ bốn lá mà thượng đế trao cho. Đến khi chúng vấp ngã, chúng mới nhớ đến khúc đồng dao của ngày xưa. Chúng thẫn thờ và than thở:
“Where is my four-leaf clover?”
Nhưng đứa trẻ đâu biết thượng đế trên cao đang mỉm cười:
Khi đứa trẻ đau vì vấp ngã, đó là tình yêu.
Khi đứa trẻ tin rằng mình không cô độc khi vấp ngã, đó là niềm tin.
Khi đứa trẻ nhìn thấy những đứa trẻ khác còn đau khổ hơn mình, đó là sự may mắn.
Và khi đứa trẻ nghĩ rằng mình phải đứng dậy là đi tiếp, đó là niềm hi vọng.
Cỏ Ba Lá - Author: Ella Higginson
I know a place where the sun is like gold,
And the cherry blooms burst with snow,
And down underneath is the loveliest nook,
Where the four-leaf clovers grow.
One leaf is for HOPE, and one is for FAITH,
And one is for LOVE, you know,
And GOD put another in for LUCK --
If you search, you will find where they grow.
But you must have HOPE, and you must have FAITH,
You must LOVE and be strong -- and so --
If you work, if you wait, you will find the place
Where the four-leaf clovers grow
Tôi biết đến một nơi, mà thái dương lộng lẫy ánh vàng
Những cánh hoa anh đào rực đỏ trong tuyết trắng
Và ẩn sâu trong đó chính là điều kì diệu nhất
Nơi cả Bốn chiếc lá của Cỏ Ba Lá cùng mọc lên
Một chiếc lá là HY VỌNG, một chiếc lá là NIỀM TIN,
Một chiếc lá dành cho TÌNH YÊU, bạn đã biết đấy,
Và THƯỢNG ĐẾ đã tạo thêm một chiếc lá nữa để mang lại sự MAY MẮN
Hãy tìm kiếm … và bạn sẽ nhìn thấy nơi kì diệu ấy .
Nhưng bạn phải HY VỌNG, và bạn phải TIN TƯỞNG ,
Bạn phải YÊU THƯƠNG để chắc rằng nó mạnh mẽ đến mức nào
.....và rồi.....
Nếu bạn cố gắng, nếu bạn chờ đợi, bạn sẽ tìm thấy nơi ấy
Nơi cả Bốn chiếc lá của Cỏ Ba Lá cùng mọc lên…

Lời thú nhận của mặt trăng

1. Tôi có một bà chị, chính xác là hai, nhưng cứ đề cập đến một đi đã. (Ui, một đã là... quá nhiều!!!) Số là từ hồi lên cấp 3, tôi đỗ trường chuyên và lên thành phố học, bà chị tôi lúc đó đang học năm thứ 2 Đại học. Và thế là nghiễm nhiên, 2 chị em về “góp gạo thổi cơm chung". Ngày 2 chị em đoàn tụ, bố mẹ mừng vui, chị em hớn hở, ríu rít đi sắm sửa bao nhiêu thứ trong nhà, cho một cuộc sống "có chị có em"

Nhưng than ôi, cái "hạnh phúc mong manh" ấy chỉ đến và trú ngụ trong căn phòng trọ của chúng tôi chưa đầy ba tháng. Tôi nhận ra tôi là mặt trăng, còn bà ấy là mặt trời. Bắt đầu là những mâu thuẫn "nho nhỏ như con thỏ", kiểu:
- Bật đèn bàn mà học, mày để bóng neong chị không ngủ được. (Nhưng khổ nỗi là ánh vàng của đèn bàn làm tôi lờ đờ buồn ngủ chỉ sau 5 phút thì còn học nỗi gì???)
Rồi kiểu:
- Ra giặt quần áo đi kìa, ngâm một ngày rồi đấy!
Tại sao bà ấy lai nhăm nhe nói lúc tôi đang cáu vì giải bài Toán không ra? Thế là tôi xẵng giọng:
- Em đang bận, chị cứ để đấy, không phải giặt đâu mà lo.
Và thế là bà ấy cũng không vừa:
- À, lại còn thế, con gái gì mà… (Tất nhiên đằng sau chữ "mà" là vô số điều mà con gái không nên có!)
Rồi lại kiểu:
- Tại sao lại đi đầu trần dưới nắng thế kia? Muốn ốm phải không?
- Có mỗi một lần em quên mũ thôi mà. Chị làm gì mà nghiêm trọng thế?
Ngay lập tức:
- Có biết thương ai không hả? Ốm lăn ra đấy thì lại khổ chị, khổ bố mẹ... Lớn rồi mà không biết lo thân... blah blah...
Chưa hết:
- Tờ báo HHT em mua sáng nay chị có thấy đâu không?
- Tao cho cái Nga mượn rồi.
Đáng lẽ ra tôi cũng không "ki bo" đến mức phải hét ầm ĩ lên, nhưng đằng này, vấn đề không phải là cho ai mượn, vấn đề là bà ấy đáp lại bằng một giọng tỉnh bơ như không. Cứ như trêu ngươi ấy!



Mâu thuẫn được đẩy lên "cao trào" khi một hôm, sau một hồi quát tháo ầm ĩ về chuyện tôi bùng một tiết học ra ngồi net (để viết mail cho đứa bạn ở nhà. Lẽ nào bà ấy không có bạn ở quê nữa???) Thế là, không cần "thương xót" cái tài khoản còm cõi trong điện thoại, bà ấy phone ngay về papa&mama để "Đấy, bố mẹ xem, nó dám thế đấy…".

Hôm ấy, tôi tức tưởi khóc, không phải vì trận quát của bố mẹ ngay sau đó, mà vì tôi thấy tủi thân vô cùng. Chị em ở với nhau, ai lại đối xử với nhau như thế bao giờ?

Tôi trốn vào nhà tắm, vặn nước chảy thật to và rấm rứt khóc một mình. Tôi muốn được tự do. Tôi muốn "tự quyết" lấy cuộc sống của tôi. Ôi, tôi thật là ghen tị với mấy đứa bạn tôi, đi học xa nhà, chúng nó thuê một phòng trọ, tự ăn, tự ở, tự làm tất thảy những gì mình thích. Rồi trong lúc bi quan, tôi lại nghĩ đến câu nói tôi đọc được ở đâu đó và bây giờ nó "nhảy chồm" ra, cực kỳ hợp tình hợp cảnh: "Kẻ mạnh là kẻ làm được những gì mình thích, kẻ yếu là kẻ chỉ làm được những gì họ được cho phép làm". Ừ, bất hạnh thay, tôi là một kẻ yếu. Hic!

***

3. Vì thế nên hẳn mọi người sẽ hiểu tại sao nếu khi trước tôi sắp phát điên vì xì-trét thì bây giờ tôi suýt... điên thật vì SUNG SƯỚNG khi nghe tin bà ấy sẽ đi thực tập hẳn một tháng.  Ôi, tự do muôn năm, muôn năm tự do!

Tối hôm trước, lúc bà ấy chuẩn bị lên đường, tôi tíu tít xếp quần áo cho bà ấy, nói chuyện ríu rít. Bà ấy dặn dò tôi những gì, mà thú thực là bây giờ, tôi cũng chả nhớ nữa. Đại khái là không được bỏ bữa, không được bùng tiết, không được ngâm quần áo trong chậu lâu quá, rồi lại phải biết chi tiêu tiết kiệm...

Một tháng tự do của tôi bắt đầu ngay sau đó.
Đầu tiên là tôi tha hồ tung tẩy sau mỗi buổi đi học về. Tôi đến nhà mấy đứa bạn, buôn chán rồi lại kéo chúng về nhà nấu nướng. Tôi có thể ngâm đồ đến lúc bắt buộc tôi phải giặt. Tôi thích ăn lúc nào thì ăn, thích ngủ lúc nào tôi muốn. Thích mua những thứ tôi thích. Nói tóm lại, Thích là Được!

Tôi cũng gần như "tuyệt giao" với bà ấy. Nhưng là tôi thôi. Còn bà ấy vẫn thường xuyên nhắn tin cho tôi, kiểu: "Ăn cơm chưa? Nấu cơm ăn hay đi ăn cơm bụi?", "Đi học thì nhớ mang mũ, lúc tối chị xem thời tiết thấy hôm nay Hà Nội nắng đến 36 độ", "Hết tiền tiêu chưa? Ngủ một mình có sợ không? Sợ thì cứ bật bóng neong mà ngủ…". Tôi vẫn có cảm giác là bà ấy… không chịu tha cho tôi dù đang cách xa nhau… 200km.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chẳng có dấu hiện gì báo trước, đoàng một cái, tôi lăn ra sốt, chỉ sau một lần quên mũ. Tệ hại là đúng thời điểm thi đội tuyển quốc gia đang đến hồi nóng bỏng. Tệ hại nữa là, sau quãng thời gian tung tẩy kiểu "Thích là Được", "ngân quỹ" của tôi bị hao hụt nghiêm trọng, chỉ còn đủ tiền mua một ít thuốc và một ít hoa quả. Dế của tôi thì đã bị “đói pin” hơn ba ngày. Không hề có một sms được gửi đến, không có một cuộc gọi nào. Tôi không đến được lớp, và dường như bị cô lập trong căn phòng đầy ắp tự do của mình!

Buổi sáng, tỉnh dậy, dù đầu óc, mình mẩy đều đau nhức nhưng tôi vẫn đến trường để dự thi. Tôi ngán ngẩm nhận ra chậu quần áo tôi ngâm từ… tuần trước vẫn án binh bất động trong nhà tắm. Hết sạch quần áo, tôi liếc sang chiếc quần Jean và chiếc áo màu vàng nhạt của bà ấy. Đây là bộ quần áo mà hôm đi Lạng Sơn chơi, bà ấy đã xách về cho tôi, nhưng tôi chê xấu không mặc. Thế là bà ấy mặc luôn.

Tôi thử nguyên bộ quần áo ấy. Đứng trước gương và ngắm nghía. Tôi nghe mũi mình cay cay khi trong tích tắc nhận ra rằng, tôi và bà ấy giống nhau biết bao! Đôi mắt này, cái trán dô này, cả cái miệng hơi hếch lên bướng bỉnh… Không! Giờ thì thực sự tôi muốn có bà ấy bên cạnh mình, bất kể tôi có ốm hay không?!

Tôi không còn nhớ tôi đã như thế nào trong phòng thi với cái đầu nóng hơn 39 độ. Khi tôi lê bước về đến nhà, đã thấy bà ấy ngồi thu lu bên mâm cơm đã nấu sẵn, mắt nhìn chằm chằm vào chiếc di động. Thoáng thấy tôi, bà ấy bật dậy như một chiếc lò xo và… lại quát ầm lên:
- Mày làm sao mà cả tuần liền không nghe điện thoại? Sao không nhắn tin cho chị? Chị tưởng mày nửa đêm bị ma bắt đi rồi, mày không biết là chị mày lo cho mày thế nào à? Đồ vô tâm, vô duyên…
Tôi không chú ý đến âm lượng cũng như nội dung những gì bà ấy bắn ra. Tôi nhìn chằm chặp vào bà ấy, lắp bắp hỏi:
- Hơ, em quên xạc pin… chị… chị về sớm thế? Sao không báo trước… em tưởng… một tháng…
- Sao? Tiếc nuối vì tự do kết thúc sớm quá à? - Bà ấy hùng hổ - Hừm… thì đúng là một tháng thật, nhưng sốt ruột quá, lại lo không biết mày ăn uống kiểu gì, lại thi cử đến nơi… Phải cố làm nhanh báo cáo rồi xin phép về trước mấy hôm… - Giọng bà ấy tự nhiên nhỏ dần đều. Xong, nhìn tôi chòng chọc:
- Trời, mày ốm đấy à? Chết, sao mà nóng thế này….
- Không, em có bị làm sao đâu, ngủ một giấc là khỏe ngay… Thôi, em đi rửa mặt rồi vào ăn cơm…
Tôi nói nhanh, lại chạy ào vào nhà tắm, lại xả nước thật to và khóc cho đến lúc cánh cửa nhà tăm bị lay ầm ầm và tiếng bà ấy thánh thót chót vót "trên quãng tám":
- Làm gì mà chậm như rùa thế? Ra ăn cơm rồi tao mua lá xông cho, chiều xông….

***

4. Tôi đã trượt vào đội tuyển quốc gia. Nhưng tôi biết, tôi đã vượt qua "cuộc thi tìm hiểu… bà chị mình" với số điểm xuất sắc được tính bằng yêu thương. Nhiều lúc tôi lại lẩn thẩn nghĩ, nếu bà ấy không… chịu xa tôi gần một tháng, nếu tôi không tung tẩy đến mức ốm lăn ra... thì có lẽ bây giờ, tôi vẫn sẽ là mặt trăng, bà ấy vẫn là… mặt trời

Bà chị khó tính ơi, có thể ngày mai, hai chị em mình vẫn chí choé, vẫn mặt nặng mày nhẹ với nhau, nhưng em biết rằng, có những thứ khi đã tìm được rồi sẽ không bao giờ mất đi được!

Đứng lên và đi

1. Hà Nội ngày 39C
Mặt đất đang nóng như thế nào thì đầu Vũ cũng bừng bừng như thế. Thì đang ngủ, thằng Đạt gọi sang đòi mượn bằng được mấy cái đĩa breakdance. Để thằng bạn khỏi mất công đi một vòng tránh đường một chiều, Vũ vội ra ngã tư Giám-Tôn Đức Thắng đứng chờ, quên cả mũ nón. Chờ đến 15 mới thấy Đạt phóng xe tới.
- Thế nào, đẹp chứ! - Đạt cười, nhìn Vũ trố mắt ngắm con Nouvo mới cáu của nó
Chẳng cần thằng bạn khoe, Vũ cũng đoán được đấy là phần thưởng đỗ Đại học của nó.
- Lên đi, tao đèo về - Đạt tít mắt
- Khỏi! Tao chẳng đủ tiền trả xe ôm đâu. Đi bộ được rồi.
Nghe vậy, Đạt cũng chẳng khách sáo, bye bye thằng bạn rồi rồ ga phóng thẳng. Vũ nhìn theo, thở dài. Nó cũng đã từng suýt có một con Nouvo như vậy. Ba mẹ đã bảo chỉ cần nó đỗ Đại học, nó sẽ có. Nhưng có lẽ không phải năm nay, vì nó trượt.

Từ hôm biết điểm, cả chục ngày nay Vũ chẳng buồn ra khỏi nhà, suốt ngày ở nhà ôm cái PC, online suốt ngày nghe bọn bạn cùng cảnh ngộ ca cẩm. Hôm nay không phải thấy tội thằng bạn lóc cóc xe đạp đi xa thì nó đã chẳng nó đi bộ ra đây, nhưng giờ nó lại thấy tội nghiệp cho mình.


Trên đường về nhà, đi qua cổng Văn Miếu, bỗng Vũ thấy có một đám trẻ con đang đứng túm tụm lại. Vốn tò mò, nó cũng ngó đầu vào thì thấy có ba nhóc nước ngoài đang ngồi quanh ông lão làm tò he. Trên tay hai cô bé mắt xanh mỗi người cầm một con tò he, trong khi cậu bé còn lại đang khua chân khua tay cố gắng miêu tả cho ông lão hiểu con tò he cậu muốn ông làm. Với vốn tiếng Anh cũng khá khẩm, khiến Vũ hiểu cậu bé đang miêu tả Người nhện. Nhìn cậu bé đang cố diễn đạt đến toát mồ hôi, Vũ cũng thấy tội nghiệp, thế là nó thành phiên dịch viên bất đắc dĩ. Nghe cậu bé cao hơn nó cả cái đầu, tay cầm người nhện, nhìn nó nói câu “thanks” đầy biết ơn, tự nhiên Vũ thấy vui vui. Suốt quãng đường còn lại về nhà, thằng nhóc vừa đi vừa huýt sáo.

2 Nhà sách
- Hi! - Một bàn tay đập bộp vai làm Vũ giật nảy mình quay lại. Thằng nhóc mấy hôm trước gặp ở cổng Văn Miếu nhìn nó, hồ hởi:
- Lại gặp nữa rồi! Anh đi mua sách à?
- Ừ! – Vũ trả lời, trong bụng thầm nghĩ “đi đọc cọp thì có”.
- À, đi mua bản đồ. Hà Nội nóng quá. Anh có khuyên gì bọn này không? - Thằng nhóc trả lời ánh mắt tò mò của Vũ. Hai cô gái cùng nhóm thấy thằng nhóc vẫy gọi cũng đã tiến lại chỗ nó đứng.
- Nếu chỉ đi ngắn ngày, các bạn nên lên Tam Đảo, trên đấy vừa mát mẻ mà không khí cũng trong lành. Đi đầu tuần sẽ đỡ đông…
Vũ giới thiệu một hồi, làm bọn kia đứng ngẩn mặt, chăm chú nghe. Bỗng thằng nhóc chen ngang:
- Vậy anh là hướng dẫn viên à?
- Không, suýt thôi! Nhưng anh cũng từng đến đó vài lần nên biết.
Tụi kia quay sang bàn bạc gì đó với nhau còn Vũ quay ra đọc cọp tiếp cuốn truyện tranh.
- Nếu bạn rỗi thì đi cùng bọn mình nhé! – Cô bé tóc vàng, Larry, đề nghị - Dù sao bạn cũng biết hơn bọn mình, đi càng đông càng vui, phải không? Chi phí bọn mình chịu.
Vũ bất ngờ bởi lời mời, gật đầu, sau khi thòng thêm một câu:
- Chúng mình sẽ chia đều.

3. Nhật ký đi đường
Ngày…tháng….năm
Ban tối, mình nói với ba mẹ về chuyến đi. Ba mẹ đồng ý, hơi bất ngờ, cứ tưởng sẽ phải nói khó. Ba mẹ bảo muốn cho tâm lý mình thoải mái một tí, chứ cứ ngồi nhà dí mắt vào PC cũng chẳng hay ho gì. Vừa chuẩn bị đồ xong, một balô to uỳnh. Mình thường thấy trong phim và trên tiểu thuyết, trong mỗi chuyến đi khám phá người ta thường hay viết “Nhật ký đi đường”,  cũng hay hay nên mình cũng thử viết, để sau này có cái lưu truyền cho con cháu. Hehe. Nhưng nói thật hồi hộp quá, định đi ngủ sớm mà mãi cứ trằn trọc nên bò dậy viết vài dòng…

Ngày…tháng...năm…
Thế là bọn mình thành một nhóm, Tracy – tóc vàng, Larry – cao kều, Cathy – tóc ngắn và mình - thằng nhóc tuy lớn tuổi nhất nhưng lại thấp nhất đoàn. Bây giờ là 12h trưa, vừa mới lên. Ngồi xe bus mệt lử. Thế mà vừa vứt balô lên phòng nghỉ, tụi kia đã hỏi đường đi chơi rồi. Mình thì chỉ muốn duỗi thẳng cẳng ra giường, tiết trời man mát làm mắt mình díp cả lại, muốn ngủ lắm nhưng làm thế bất lịch sự quá. Thôi đành phải cố vậy.

Bây giờ là 12h đêm. Mọi người vừa ngủ. Hôm nay mệt thật đấy. Ban trưa, ăn xong, tụi kia kéo mình chỉ đường lên Thác Bạc, mình leo dốc thở hộc bơ mà bọn nó đi như không ý. Chơi mãi  đến gần 5h chiều mới về. Trên đường, nhìn những dàn su su xanh mướt, tụi nó cứ “oh, ah” mãi. Ngộ thiệt! Lúc về, mây ngang tầm với, cứ mịt mù, đứng gần nhau mà cứ thấy mờ mờ ảo ảo, cái cảm giác ấy thích thật đấy! Nhưng cũng vì thế mà hôm nay suýt lạc mất Tracy, cả bọn sợ, nên về sớm. Đi cả ngày mệt, không khí lại mát mẻ nên ai cũng ăn được nhiều, mấy nhóc kia có vẻ đang khoái khẩu món su su luộc chấm vừng.

Nhà trọ mình ở bé tẹo, nằm lọt thỏm so với mặt đường. Từ phòng mình và Larry, nhìn thẳng ra là mặt đường. Từ cửa sổ cách đường cũng chỉ mét rưỡi. Đôi khi nghĩ mấy con bò đang đi ngoài kia bỗng  nổi hứng phi thân qua cửa sổ, đủ làm mình ớn cả người, trong khi Larry bảo nếu thế thật nó sẽ thử vuốt ve mấy chú bò.
Mình bắt đầu thấy díp cả mắt, viết bằng ánh sáng đèn pin làm mình đau cả mắt. Ai bảo ban tối, hết trò chơi, mình rủ tụi nó thi kể chuyện ma. Thế là bốn đứa, trùm chăn, tắt đèn kể chuyện ma. Những câu chuyện trong quyển “Liêu trai chí dị” mà mình từng đọc, những tên cướp biển với những con tàu ma, lại còn tiếng gió vít những ngọn tre xào xạc bên kia đường nữa chứ. Báo hại cho Tracy, Cathy sợ không dám ngủ một mình, tụi nó ôm gối sang bắt mình với Larry nhường giường, trải chăn xuống đất mà nằm. Lần sau thì mình cạch…

Ngày…tháng…năm…
Mưa từ đêm qua mãi chưa dứt. Thấy anh lễ tân bảo bão đang về. Chán. Cả bọn đành loanh quanh chơi trong nhà trọ. Larry chơi với con mèo tam thể, Cathy và Tracy, đứa nghe ipod, đứa ngồi nghịch mưa ở ngoài hiên, còn mình chẳng biết làm gì nên lôi nhật ký ra viết, nhưng cũng chẳng có gì để viết cả, chẳng bù hôm qua…Giá cứ được tất bật như thế lại hay. Thôi đành đi ngủ vậy.

Ngày…tháng….năm…
Vẫn mưa. Có lẽ phải 3, 4 ngày nữa mới hết. Trò kể chuyện ma mãi cũng chán. Hôm nay dự định đưa mọi người đi đến đền Tây Thiên, chùa Can Bi… nhưng xem ra hỏng hết rồi.

Ngày…tháng…năm…
Vẫn mưa. Mình vừa đi hỏi xem có xe về Hà Nội không, nhưng lễ tân bảo đoạn đường vào đây bị lở đất nên trong mấy ngày nữa chưa chắc đã có xe. Chán! Thế là bị giam chân ở đây sao?

Ngày…tháng…năm…   
Mệt phờ! Quảng cáo Lifebouy cho mình một ý tưởng hay đến bất ngờ. Mưa đã ngớt. 7h sáng, mình lôi 3 đứa kia dậy, nói là đưa đến một nơi thú vị. Cả bọn đội mưa, đi bộ gần 5 cây số đến nơi bị lở đất và bắt đầu dọn dẹp… Có hơn hai chục người nữa làm với bọn mình, ban đầu họ ngạc nhiên khi thấy ba cô cậu nước ngoài cũng xách đất, nhặt đá… nhưng phải nói ba tên đấy làm trâu thật, mình chẳng quen với việc này lắm nên cứ hụt hết cả hơi. Nhìn họ hào hứng làm việc, những giọt mồ hôi trộn lẫn nước mưa lấm tấm đầy trên những khuôn mặt khiến mình cũng phải cố gắng mà theo, không thể để thua được… Chiều, mưa ngừng. Việc dọn dẹp đoạn đường đó đã xong, nhưng trời tối quá, không về được nhà trọ, bốn đứa ở tạm nhà của một gia đình gần đó. Ba đứa kia hí hửng chui xuống bếp nướng khoai, còn mình phụ trách nồi ngô luộc tranh thủ viết mấy dòng...

4. Những cuộc hành trình
Ngày…tháng…năm…
Vừa tiễn tụi kia ra ga đi Huế. Trước lúc đi, Cathy đưa cho mình một quyển sổ to bự, nói là quà cảm ơn của tụi nó. Bất ngờ hơn nữa là những dòng tâm sự viết ở ngay trang đầu, mình đã đọc đến thuộc:
“ Cảm ơn vì chuyến đi.  Nói thật, bọn này chưa bao giờ nghĩ sẽ được tham gia một tour “trải nghiệm” được sống, làm việc với người dân bản địa như thế vì thường giá rất đắt. Thế nên rất cảm ơn! Bọn này biết anh vẫn viết sổ tay đi đường, nên tặng anh quyển sổ này, mong sẽ sớm đầy những lịch trình, những tour, những kỷ niệm…”

Vậy là họ lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình khám phá Việt Nam. Còn mình, sẽ tiếp tục cuộc hành trình khám phá bản thân, tìm cho mình một con đường để tiếp tục theo đuổi những mơ ước, đó có thể là một con đường vòng, cũng có thể là một con đường gập ghềnh, nhưng mình vẫn sẽ đi. Quyết thế!