Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây, suy nghĩ này đã có sự thay đổi. Một số phụ nữ trí thức, có địa vị và có sự thành đạt nhất định trong xã hội ý thức sâu sắc về tính tất yếu và tầm quan trọng của yếu tố tình dục trong đời sống vợ chồng. Họ cũng hiểu rõ, khao khát cuộc sống tình dục hòa hợp với chồng là chính đáng và họ có quyền được hưởng điều này. Một khi điều này không đạt được, họ không ngần ngại chủ động xin ly hôn...
(Ảnh minh hoạ) |
Trường hợp của chị T. 34 tuổi và anh H. 36 tuổi, là một ví dụ. Chung sống với nhau hơn 8 năm, anh chị đã có hai con. Trong đơn xin ly hôn, chị viết: "Hai vợ chồng em còn trẻ, khỏe, em rất yêu chồng. Em nghĩ, tình dục là yếu tố tất yếu và quan trọng trong quan hệ vợ chồng. Đó cũng là nhu cầu rất bình thường của mọi người vợ. Vậy mà chồng em lại quá hững hờ, lạnh nhạt, thậm chí có lần anh ấy còn nói: "Tại sao em là đàn bà mà lúc nào cũng nghĩ đến chuyện đó...?! ". Em cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương ghê gớm. Em muốn yêu chồng và muốn được chồng yêu. Như thế thì có tội gì cơ chứ? Em đã tìm hiểu và biết anh ấy không có trục trặc gì về sức khỏe, cũng không có người phụ nữ khác. Chỉ có điều anh ấy không muốn gần gũi vợ và cũng chẳng quan tâm gì đến nhu cầu của em. Trong khi đó, em là một người phụ nữ trẻ trung, đầy sức sống. Vậy tại sao em lại không được hưởng hạnh phúc chăn gối như những người phụ nữ khác? Em đã nhiều lần nói rõ với chồng những suy nghĩ và bức xúc của mình nhưng anh ấy vẫn không chịu hiểu. Giờ đã quá mức chịu đựng, em chỉ muốn ly hôn!".
Cũng có khi sự "cách tân" của người vợ lại khiến người chồng phát hoảng, hiểu nhầm, như trường hợp ông L. 50 tuổi. Vợ ông, bà T. 46 tuổi, là trưởng phòng của một công ty. Vợ chồng đã chung sống hơn 20 năm, con cái đã trưởng thành. Bỗng dưng, bà nộp đơn xin ly hôn với lý do "vợ chồng không hòa hợp về tình dục". Theo lời bà, khoảng 4-5 năm gần đây, chồng bà lơ là chuyện chăn gối, lại thường xuyên kiếm cớ về ở bên nhà cha mẹ. Bà rất buồn, không hiểu nguyên nhân vì sao.
Khi vợ chồng không tìm thấy sự hòa hợp về tình dục thì hệ quả tất yếu là sự hụt hẫng, ức chế, nghi ngờ, rạn nứt, đổ vỡ... Thông thường, khi nhận được những lá đơn xin ly hôn với lý do "không hòa hợp về tình dục", thẩm phán thường tác động, hòa giải, giúp vợ chồng nhận ra gút mắc, để tháo gỡ, chứ không giải quyết cho ly hôn ngay. Chỉ khi nào cả hai bên không tìm được tiếng nói chung, thì lúc đó mới tính đến chuyện giải quyết cho vợ chồng ly hôn.
Luật xưa: Chồng không chăm sóc vợ trong 5 tháng, vợ có quyền xin ly hôn Tính đặc thù của "Quốc triều hình luật" (Bộ luật Hồng Đức) thể hiện rõ trong hai chương "Hộ hôn" và "Điền sản". Trong hai chương này, các nhà làm luật ít nhiều đã đề cập đến một số quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình. Dưới lễ giáo phong kiến, người vợ bị đòi hỏi phải lệ thuộc vào chồng và không được làm điều gì nếu không có sự chỉ đạo hay đồng ý của chồng. Tuy nhiên, trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có thể yêu cầu ly hôn. Điều 322 "Quốc triều hình luật" ghi: "Con gái thấy chồng chưa cưới có ác tật có thể kêu quan mà trả đồ sính lễ", nếu "con rể lăng mạ cha mẹ vợ, đem thưa quan, cho ly dị". Trong gia đình người vợ tương đối bình quyền với người chồng và do đó, hôn nhân không được coi là sự chuyển giao hoàn toàn cô gái từ gia đình bên nội của mình sang gia đình chồng như ở Trung Quốc. Không những thế, luật pháp còn bảo vệ người phụ nữ. Họ được phép đến nhà đương chức xin ly hôn trong trường hợp chồng không chăm nom, săn sóc vợ trong 5 tháng (nếu vợ đã có con thì thời hạn này là 1 năm). Nếu vợ đem đơn đến công đường thì luật cho phép cưỡng bức ly hôn. Nghĩa là người chồng không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không buộc phải làm tròn bổn phận của mình. Quy định này không có trong bất kỳ bộ luật nào của Trung Quốc cũng như các văn bản cổ luật trước hay sau triều Lê. Ngay cả khi luật bắt buộc người chồng phải bỏ vợ ngoài ý muốn chủ quan, Điều 310 quy định "Vợ, nàng dâu đã phạm vào điều "thất xuất" mà người chồng ẩn nhẫn không bỏ thì phải tội biếm tùy theo nặng nhẹ". Tuy nhiên, sẽ không thể ly hôn được nếu như khi phạm vào điều thất xuất người vợ đang ở trong ba trường hợp (tam bất khứ): đã để tang nhà chồng 3 năm; khi lấy nhau nghèo mà sau giàu có; khi lấy nhau có bà con mà khi bỏ lại không có bà con để trở về. Đồng thời, khi hai bên vợ chồng đang có tang cha mẹ thì vấn đề ly hôn cũng không được đặt ra. Như vậy, cả luật xưa lẫn luật nay đều cho phép người phụ nữ được ly hôn nếu không được chồng quan tâm, săn sóc. Chỉ có điều luật xưa quy định cụ thể về mặt thời hạn để người vợ có thể đâm đơn xin ly hôn, còn luật nay thì không. |
(Theo ĐS&PL)
No comments:
Post a Comment
để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))