Hôn nhân một mình

Xem hình

Rõ ràng là có vợ, có chồng, mà người trong cuộc vẫn cứ lẻ loi chiếc bóng. Chưa đến mức, hoặc không tính đến chuyện chia tay, nhưng không ít người cũng chẳng biết xoay xở thế nào để hết... một mình.
Mái... lạnh!

Phương Trang và chồng đến với hôn nhân suôn sẻ, nhanh chóng, vì hai bên đều cần có nhau. Chồng Trang không lãng mạn, không tặng hoa nhân ngày lễ trọng, nhưng cô lại thấy hay... vì như thế có lẽ anh cũng không có máu lăng nhăng.

Ngày quen Trang, anh mới xin được việc làm, gặp nhau lần nào anh cũng trễ hẹn: “Công việc mới chưa quen, lúc nào anh cũng phải làm quá giờ”. Câu chuyện về tương lai của người đàn ông trẻ đầy ắp những ước mơ, kế hoạch làm giàu để có một mái ấm hạnh phúc.

Mười năm sau, căn nhà nhỏ của họ đã biến thành một biệt thự khang trang. Để có khối tài sản này, ông chồng phải nhận làm việc xa nhà trong ngành dầu khí. Trang và đứa con gái lọt thỏm trong ngôi nhà mênh mông. Những khoảng thời gian ngắn ngủi về nhà, ông chồng vẫn say sưa với công việc, bàn bạc đối tác, vào mạng tìm kiếm thông tin, theo dõi chứng khoán. Anh ta giáp mặt cơ hội kiếm tiền nhiều hơn gặp bà xã.

Người đàn ông nào cũng mong làm giàu cho vợ con hưởng. Bà vợ nào cũng thích đếm tiền chồng mang về. Nhưng niềm vui ấy không kéo dài. Trang thấy mình là người sống cùng nhà chứ không sống bên ông xã. Chị cũng bận bịu với công việc trong ngành bưu điện. Ngoài gặp gỡ khách hàng, về nhà chị còn phải chăm sóc con. Thăm hỏi bố mẹ mình, bố mẹ chồng... chỉ một tay chị lo toan. Cảm giác “một mình” trong cuộc đời của Trang ngày một tăng lên.

Đến một ngày, Trang ngập ngừng mở lời với chồng về nỗi cô đơn của mình, mới biết, còn khó nói hơn chuyện tiền nong, bởi nghe như “có voi đòi tiên”. Nhưng, chồng chị cũng chẳng có thời gian đâu để nghe hết tâm tình của vợ, anh chỉ ngắn gọn: “Đâu phải lúc nào cũng kiếm ra tiền, phải tranh thủ, lúc già tha hồ bên nhau, rồi em lại ngán cho coi”.

Chị Tố Trâm, một nhân viên ngành du lịch, chia sẻ: Điều chị ghét nhất là phải chờ đợi. Ông xã của chị đang ở nước ngoài, cứ hẹn mãi mà “xuân nào cũng không thấy mặt”.

Ngày anh lên đường du học, chị báo tin vui mình đang có thai. Anh hớn hở: “Học xong anh sẽ về ngay”. Nhưng rồi, anh lại nghĩ khác: “Bên này kiếm nhiều tiền hơn, anh ở lại làm việc, để lo cho con”. Bà mẹ chồng ngày càng già yếu, chị thương bà, nên cũng không nghĩ đến chuyện đưa con đi thăm cha. Đã hơn 10 năm, chị làm dâu, làm mẹ, làm trụ cột trong gia đình.

Sự chờ đợi bắt đầu có màu hoài nghi làm tàn nhanh nhan sắc của một người phụ nữ qua tuổi 40. “Hay là ổng có ai?”. Nhiều phút chị chạnh lòng khi có người hỏi đến. Cũng có cả phút xao lòng trước một ánh mắt thân thiết... nhưng chị chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện chia tay chồng, bởi còn con nhỏ, mẹ già yếu. Chị tự an ủi mình, dẫu không có một bờ vai tựa đầu lúc mỏi mệt, nhưng chị cũng có một danh phận rõ ràng: “Vợ của một tiến sĩ đang làm việc tại nước ngoài”. 

Cũng có không ít bà vợ “vò võ một mình” dù ông xã không đi đâu xa. Chị Phượng Chi, giáo viên, thường xuyên lui tới chỗ các chuyên viên tâm lý, để mong bớt tâm trạng chơi vơi. Chị kể: “Sau thời kỳ chinh phục để đưa tôi lên xe hoa, ông xã tôi chuyển sang thời kỳ làm cho tôi phải “khuất phục”, phải “nép vào đời anh”.

Cùng với “chiến lược” đó, bao nhiêu lời lẽ đẹp nhất của anh, những món quà dễ thương, những đóa hoa bất ngờ trao tặng cứ thưa dần, thay vào đó là những lời đề nghị của một ông chồng không muốn nghe từ chối. Tôi ở trong một căn nhà bốn tầng lầu, nội thất sang trọng, mỗi sáng đi chợ, đưa con đi học, về nhà nấu cơm, giặt đồ, lau nhà... rồi đón con về. Một ngày với tôi như mọi ngày.

Những đêm mưa gió, chỉ có hai mẹ con trong căn nhà lớn, tôi sợ ma, sợ trộm kinh khủng. Gọi điện cho chồng, toàn nghe tiếng anh ở chỗ ồn ào... Anh vẫn là một người đàn ông lãng mạn, biết cách thu hút người khác. Nhưng với tôi, lời khen anh cũng tiết kiệm. Dường như anh sợ thời gian trống ở nhà. Với anh, “tổ ấm” đã chuyển ra quán nhậu, nhà hàng... Gia đình chỉ là chỗ anh về ngủ sau những cuộc vui mỏi mệt, là nơi trú chân, chứ không phải dừng chân.

Mỗi tháng, ngoài các khoản tiền chi cho gia đình, anh còn hào phóng cho tôi hai triệu để xài vặt, kèm theo tuyên bố “không có bà vợ nào sung sướng, khỏe re như em đâu”. Nhưng tôi lại thèm được như chị hàng xóm, mỗi khi bán hết gánh cháo mực, chị ríu rít ôm eo chồng trên chiếc xe đạp, rồi mai kể cho tôi nghe vở cải lương, hay một chương trình ca nhạc mới cùng chồng đi coi. Ông xã tôi đâu biết, có những đêm trăng, một mình trên sân thượng, tôi mong đến cháy lòng có anh bên cạnh để được trò chuyện...”.

Có lẽ, nhìn ra xung quanh, sẽ thấy không ít những hoàn cảnh như chị Trang, chị Trâm, chị Chi. Và cũng có những ông chồng rơi vào cảnh “hôn nhân một mình” khi bà vợ năng động với lịch làm việc đầy ắp. Tuy nhiên, đàn ông hiếm khi cam chịu cảnh một mình. Họ có khiếu tụ tập bạn bè, thậm chí liều lĩnh có “em út”...

Ở cùng

Trong dân gian có một câu đố về con muỗi: “Vì mày, tao phải đánh tao. Vì tao, tao phải đánh tao, đánh mày”. Trong hôn nhân, không đau khổ nào người này gây cho người kia mà không gây ra “tác dụng phụ”. Ngược lại, không có hạnh phúc nào ban tặng cho người kia, mà không phải niềm vui của chính mình. Nhiều người, mới ngày nào họ bảo lập gia đình xong, tôi sẽ hết cô đơn. Hôm nay, họ bảo có chồng rồi, mới biết thế nào là cô đơn. Ngày nào, họ bảo xây được ngôi nhà to, vợ chồng rất hạnh phúc. Hôm nay, họ bảo, nhà to chỉ làm cho gia đình thêm lạnh lẽo.

Tình yêu thôi thúc ước muốn ở cùng nhau. Nhưng khi đã bước vào hôn nhân, lắm lúc bên nhau mà không có nhau, lắm khi có nhau mà không bên nhau.

Hãy xem một cảnh thường diễn ra trong bệnh viện: Một bà vợ đau ốm, ông chồng không là thầy thuốc. Ông không có năng lực để cứu vợ hết bệnh, cũng không biết tiêm cho bà mũi thuốc giảm đau. Sao ông cứ đứng bên giường nhìn vợ, ngay cả lúc bà vợ thiếp đi? Bởi sự có mặt của ông là một liều thuốc quý. Trong nỗi đau đớn của thể xác, bà vợ vẫn vui, vì biết người mình yêu đang ở bên mình. 

Phụ nữ có dễ bị coi là yếu đuối không khi trong cuộc sống hôn nhân, họ luôn cần người đàn ông bên cạnh, ngay cả lúc họ mới ngủ dậy, chưa chải tóc? Người vợ dọn cơm chiều, mong chồng về, đến bên cạnh, thì thầm: “Anh đói lắm rồi”. Chỉ vậy thôi, buổi tối hôm đó ngát hương hạnh phúc.

Nỗi đau không có ai đau cùng, chứ chưa hẳn là không có ai cất cho mình nỗi đau. Ở cùng là nhập một thân phận, để hiểu nhau, thương nhau. Đó là chiều sâu nhất của tình yêu, cũng là điều khó nhất và đẹp nhất. Ý thức được điều này, tự các các cặp vợ chồng sẽ phải cùng nhau điều chỉnh, chăm chút cho cuộc sống chung. “Hôn nhân hai mình” bao giờ cũng là sự nỗ lực từ hai phía.

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))