Khoá học về sự thất bại

Jayson Blair, phóng viên bị đuổi việc của New York Times, nói chuyện với sinh viên về đạo đức? Còn gì tiếp theo nữa? Cựu giám đốc của Lehman Brothers nói về quản lý rủi ro tài chính chăng?
Khoá học về sự thất bạiĐó là một số câu hỏi châm biếm khi ĐH Washington & Lee ở Virginia thông báo Blair sẽ đến diễn thuyết một buổi ở đây.
Thế nhưng tính châm chọc của việc một phóng viên từng phải thôi việc vì bịa đặt ra các bài báo lại đi giảng giải về đạo đức quả là khiến người khác tò mò khó cưỡng. Nhưng ngoài ra, nó còn nhắc nhở các trường đại học nghĩ nghiêm túc hơn về một điều mà họ thường né tránh: giá trị của việc để cho sinh viên tiếp xúc với thất bại, và chuẩn bị tinh thần trước thất bại.
Sức hút của thất bại
Các giáo viên đều nói rằng thất bại chính là điều mà các sinh viên được gọi là thế hệ Y muốn nghe nói đến nhiều hơn. “Sinh viên rất quan tâm đến thất bại” – Rich Honack, giảng viên ở trường Quản lý Kellogg, thuộc ĐH Northwestern, và là chuyên gia về các nền văn hóa thế hệ, nói.
Những người ở độ tuổi 20 của thời hiện tại “đã luôn thành công. Họ luôn nhận được cúp khi chơi cho các đội thể thao. Họ luôn nhận được điểm A. Bố mẹ họ luôn nói họ là những người tuyệt vời nhất và bảo vệ họ khỏi các thất bại”. Nhưng theo cách đó, thì thất bại trở thành một thứ đáng sợ hơn nhiều.
Anthony Kronman, tác giả cuốn sách “Tại sao các trường đại học và cao đẳng của chúng ta đã từ bỏ ý nghĩa của cuộc sống”, nói rằng các sinh viên giỏi trong lớp ông dạy ở ĐH Yale thường bị thu hút bởi những nhân vật có khiếm khuyết trong những cuốn sách mà họ đọc. Kể cả trong những câu chuyện Hy Lạp cổ xưa, thì sinh viên cũng có hứng thú với những nhân vật lãng phí tài năng và tạo ra nhiều kẻ thù, thay vì những anh hùng (dù ở thời này thì ngay cả các nhân vật anh hùng cũng không thiếu thất bại để nói đến).
Thầy Kronman, cũng dạy cả đạo đức ở trường Luật, ĐH Yale, nghĩ rằng nói chuyện về thất bại khi giảng bài là rất có lợi. “Tuy nhiên, cũng phải rất thận trọng khi mời trực tiếp một người đã thất bại toàn diện, vì như thế thì rất khó để ngăn buổi nói chuyện trở thành một cuộc “nhận lỗi” không mang tính giáo dục” – Thầy nói – “Điều đó là tự nhiên, nhưng nó làm phức tạp hóa việc đánh giá một cách trung thực và hữu ích về những điều đã gây ra thất bại”. Cho nên, cũng không có gì ngạc nhiên khi hầu hết những người thất bại sẽ thích nói về một chuyện gì đó khác hơn là thất bại của mình. Khi Eliot Spitzer, phải từ chức Thị trưởng New York vì scandal liên quan đến gái mại dâm, đến nói chuyện ở Harvard, chủ đề của ông là “Đâu là lý do căn bản của việc Chính phủ tham gia vào thị trường?”.
Thế nhưng, vẫn có những người công khai vật lộn với những thất bại của riêng mình. Trên website nổi tiếng Slate.com, tác giả Timothy Noah than rằng có quá nhiều sinh viên đại học nhận được những lời khuyên khởi đầu tẻ ngắt từ những người thành đạt. Thành công là đáng ngưỡng mộ nhưng không có nhiều tính giáo dục, trong khi thất bại đem lại nhiều thông tin hơn nhiều – và thú vị hơn.
“Con người thường thấy dễ đếm, một cách rất chi tiết, xem họ đã “hỏng” ở đâu trong cuộc sống của mình, hơn là giải thích những gì mình làm đúng” – Noah viết. Ông gợi ý các trường đại học bỏ những nhân vật thường được mời đến để “cho sinh viên lời khuyên, như Oprah Winfrey, Warren Buffett, Colin Powell; mà nên mời những nhà phê bình truyền thông, những tác giả đã sẵn sàng nhìn nhận các thất bại của mình”.
Bạn không thể trốn khỏi thất bại!
Có những góc trong cuộc sống của sinh viên, mà bạn sẽ không thể trốn khỏi thất bại. Ở một trong những góc như thế, thành công chỉ đến trung bình là một nửa số lần bạn thử: đó là thể thao trong trường đại học.
Trong cuốn sách “Xuất sắc mà không có tâm hồn”, tác giả Harry Lewis, một chủ nhiệm khoa cũ ở ĐH Harvard, đã nhớ lại lần gặp mặt một chủ nhiệm khoa trẻ tuổi từ một trong các khu nhà ở của trường. Anh chủ nhiệm khoa này hỏi Tiến sĩ Lewis là có phải nhà trường thực sự dự định nhận ít vận động viên trẻ vào học hay không.
Tiến sĩ Lewis nói đúng là như vậy, dù ông rất ngạc nhiên, không hiểu tại sao anh chàng trẻ tuổi kia lại có hứng thú tìm hiểu chuyện này. Dù sao, trông anh ta có vẻ gì là một fan của thể thao đâu.”Như thế sẽ rất tệ” – Anh trưởng khoa trẻ nói với Tiến sĩ Lewis – “Các vận động viên trẻ đó đem lại rất nhiều điều cho trường học. Họ là những người duy nhất ở đây biết cách thất bại mà”.
Đặng Mỹ Dung

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))