“Bệnh”... chán

Tốt nghiệp đại học loại ưu, Hồng được nhận vào làm tại một viện nghiên cứu. Thời gian đầu cô làm việc hăng say, nhưng một hôm cô tuyên bố xanh rờn: “Tớ bỏ chỗ đó rồi. Chán!”.

Quân, cử nhân kinh tế, ra trường 4 năm, nhảy tới mấy công ty, chỗ nào cũng chỉ được một thời gian ngắn là... bỏ. Cũng lại lý do: Môi trường làm việc buồn tẻ, công việc không có triển vọng, cạnh tranh không lành mạnh, đồng nghiệp kìm hãm lẫn nhau...

Tuyết Ngân cũng vậy, năng lực đến đâu không rõ, nhưng lần nào gặp bạn bè cô cũng than thở muốn tìm một nơi làm việc có tác phong “chuyên nghiệp”, hiện đại, phù hợp với khả năng của mình.


Ảnh minh họa. Nguồn: Inmagine.com

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng, đa số những bạn trẻ mới ra trường, bước vào đời đã luôn miệng kêu chán này là những người mắc bệnh ảo tưởng trước cuộc sống, hoặc ảo tưởng về bản thân, luôn bị lệ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Họ chỉ thành công khi may mắn gặp được hoàn cảnh thuận lợi, nhưng nếu rơi vào nghịch cảnh thì sẽ nhanh chóng gục ngã.

Chẳng hạn như Hồng, với thành tích xuất sắc từ trường đại học, cô những tưởng khi ra trường sẽ được nhiều nơi “trải thảm đỏ” mời mọc. Nhưng không ngờ cô cũng phải bắt đầu như tất cả mọi người, cũng trầy trật làm việc với mức lương theo hệ số.

Công việc cũng không mấy thuận lợi. Do quá kỳ vọng, ảo tưởng vào tương lai nên khi phải đối mặt với những trở ngại và thực tế không như ý, Hồng đâm ra nghi ngờ bản thân, thấy mình “không còn là mình nữa”, nên hứng thú làm việc và quyết tâm khẳng định mình... “bốc hơi” nhanh chóng.

Những người như Quân và Tuyết Ngân lại quá ảo tưởng về bản thân. Với vài thành công nho nhỏ từng đạt được, họ đã cho mình là người có tài và luôn nghĩ mình phải được trọng dụng, ưu đãi hơn nhưng hình như chưa ai phát hiện ra hoặc quan tâm đến tài năng của họ. Điều đó khiến họ thấy sốc và có tâm trạng bất mãn.

Người bỏ đi tìm “miền đất hứa”, người vẫn tiếp tục làm việc nhưng sự nhiệt tình không còn, hiệu quả công việc giảm.

Học cách chấp nhận cuộc sống

Cuộc sống nói chung và công việc nói riêng không phải lúc nào cũng dễ dàng, thuận lợi, đó là sự thật. Bởi vậy, điều quan trọng là thái độ tiếp nhận của bạn. Chỉ có hai cách, hoặc kêu than buồn chán hoặc vui vẻ chấp nhận.

Kêu than buồn chán chỉ làm bạn càng chán hơn, nản lòng hơn, mọi thứ không vì thế mà bỗng dưng tốt đẹp lên. Bạn vừa mới ra trường, khó khăn là đương nhiên, hãy học cách thích nghi và bằng sự nỗ lực, theo thời gian mọi thứ rồi sẽ ổn.

Mỗi thử thách đều đem đến một cơ hội trưởng thành, giúp mỗi người thể hiện được bản lĩnh của mình. Nhận ra được bản chất thực tế đó, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, thoải mái hơn khi đối mặt với những khó khăn trở ngại.

Tuổi trẻ thường thiếu sự trải nghiệm cuộc sống nên những ảo tưởng như trên cũng là điều dễ hiểu, có thể thông cảm. Nhưng sẽ là bi kịch nếu theo thời gian, bản thân người trong cuộc không tự nhận thấy rằng, chính môi trường thực tế và sự trải nghiệm trong công việc mới là thước đo giá trị, là cơ hội tốt để mình rèn luyện và vươn lên.

Nếu không kịp thời điều chỉnh tâm thế để thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới, các bạn trẻ sẽ rất dễ bị chi phối bởi tâm trạng tiêu cực, điều đó ảnh hưởng xấu tới hầu hết những khát vọng, niềm vui khác trong cuộc sống.

Hãy hiểu rõ bản thân để biết năng lực mình đến đâu, điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì. Khi nhận ra mình cũng giống như bao người, bạn sẽ không ảo tưởng nữa. Loại bỏ được cảm giác này, bạn sẽ bớt được những đòi hỏi, yêu sách, kỳ vọng đối với cuộc sống.

Bạn sẽ thoải mái hơn vì mình đã giải quyết công việc đúng với khả năng của mình. Sự thoải mái đó giúp bạn có được tâm trạng tốt cho công việc, là một nhân tố kích thích sự sáng tạo và thành công của bạn. Theo Phụ nữ Việt Nam

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))