Trong xã hội hiện đại, mất ngủ là triệu chứng thường gặp. Nếu mất ngủ nhẹ ta có thể tự điều chỉnh. Nhưng mất ngủ nặng, ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và thể chất cần phải chữa trị. Vậy việc dùng thuốc và điều trị mất ngủ trong những trường hợp này như thế nào?
Từ khi 30 tuổi tôi đã có biểu hiện của rối loạn giấc ngủ với biểu hiện đêm ngủ chập chờn, giấc ngủ không sâu, có khi chỉ một tiếng động nhỏ là tôi đã tỉnh giấc. Khi tỉnh rồi rất khó hoặc không thể ngủ lại được nữa. Nếu chỉ mất ngủ trong một vài đêm thì tôi tự khắc phục, không dùng thuốc gì cả vì tôi nghe thấy người ta nói rằng lạm dụng thuốc cũng không tốt sẽ gây hại thần kinh. Nhưng có thời gian tôi bị mất ngủ liên tục, kéo dài khiến người mệt mỏi, khó chịu tôi mới ra hiệu thuốc kể bệnh để mua thuốc. Uống thuốc vào có cải thiện được một chút.
Đợt này do có sự thay đổi trong công việc khiến cho tôi lo lắng, nghĩ ngợi nhiều nên bệnh mất ngủ của tôi càng trầm trọng hơn: thức trắng nhiều đêm liền khiến tôi không chỉ mệt mỏi, ăn không thấy ngon mà còn cảm giác hồi hộp, lo âu và choáng váng khi đi lại... Sợ quá tôi đã đi khám bệnh tại cơ sở y tế ở địa phương và được chẩn đoán là suy nhược thần kinh. Trong quá trình điều trị, tôi được dùng thuốc ngủ seduxen. Giấc ngủ có tốt hơn nhưng hết thuốc lại mất ngủ. Thấy tình trạng bệnh không được cải thiện nên tôi được chuyển lên tuyến trên và vào Viện sức khỏe tâm thần điều trị. Ở đây tôi được chẩn đoán là rối loạn lo âu. Đây cũng là một nguyên nhân gây nên mất ngủ trầm trọng.
Vào khoa T4 của Viện sức khỏe tâm thần điều trị đến hôm nay được 4 hôm tôi thấy có tiến triển. Mỗi đêm tôi đã ngủ được 5 giờ. Tôi hy vọng sau đợt này tôi sẽ có được giấc ngủ sâu và ngon hơn.
Hiện nay có rất nhiều người không có bệnh gì nhưng vẫn bị rối loạn giấc ngủ với các biểu hiện:giấc ngủ nông, muốn ngủ mà không ngủ được, hay có ác mộng, tỉnh dậy nửa đêm (giữa giấc) rồi không ngủ lại được. Sáng dậy rất mệt mỏi, không muốn dậy nhưng cũng không ngủ được...; ăn không ngon, bị rối loạn tiêu hóa (không tiêu, bụng trướng, đi đại tiện táo bón hoặc lỏng); cơ thể gày sút, nôn khan; suy giảm tình dục; trí nhớ giảm (làm trước quên sau)... Nếu bị mất ngủ nặng tính tình thay đổi (hay cáu gắt, bực tức, lo âu, bồn chồn).
Nguyên gây nên tình trạng trên rất phong phú và đa dạng như: có sự thất bại nào đó trong cuộc sống và công việc, bị sang chấn tâm lý (người thân bị nạn, bị bệnh, gia đình có chuyện chẳng lành, con cái hư hỏng, vợ chồng không hạnh phúc); Nguyên nhân về xã hội như có sự chuyển nghề, chuyển việc làm, chuyển nhà. Về bản thân bệnh nhân lạm dụng các chất kích thích, lạm dụng thời gian làm việc (làm việc quá nhiều, sử dụng thời gian làm việc không hợp lý), bị bệnh, bị stress...
Để ứng phó với các tình trạng mất ngủ này cần hạn chế các stress tâm lý; nếu có các stress cần giải quyết tốt các sang chấn về tâm lý; giữ thăng bằng, điều tiết cơ thể: ăn, ngủ, nghỉ hợp lý và đến với bác sĩ (đặc biệt là các bác sĩ chuyên khoa tâm thần) để được tư vấn, dùng thuốc điều trị thích hợp và không được lạm dụng các loại thuốc ngủ.
Các loại thuốc ngủ hiện nay gồm: các thuốc bình thần nhóm benzodiazepam (seduxen, lesomin, timeta...), nhóm phenobarbital (gardenal, luminal), các thuốc ngủ có nguồn gốc đông y (rotunda, stylax) và thuốc đông y (thuốc thang để sắc)...
Đối với các thuốc bình thần trên do được quản lý chặt chẽ nên bệnh nhân khó có thể mua được để tự ý dùng. Tuy nhiên các thuốc có nguồn gốc đông y thì lại rất phong phú trên thị trường, dễ mua, dễ sử dụng. Nếu bệnh nhân lạm dụng thuốc sắc quá nhiều sẽ gây béo phì. Khi uống các thuốc có nguồn gốc đông y mà vẫn không ngủ được người bệnh thường có cơn choáng do rối loạn tuần hoàn não. Mất ngủ nặng hơn làm tăng tiến triển của lo âu... Khi đến với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì bệnh đã nặng gây khó khăn hơn trong điều trị. Bởi vậy mà người bị mất ngủ chỉ nên dùng thuốc ngủ khi có chỉ định của bác sĩ.
Mất ngủ chỉ là triệu chứng của một bệnh hay một tình trạng rối loạn nào đó (còn gọi là chứng bệnh mất ngủ). Vậy mất ngủ khi nào mới cần phải chữa?
Nếu mất ngủ 1 - 2 đêm hoặc mỗi đêm ngủ ít hơn mọi khi 1 - 2 giờ... thì không cần phải chữa. Điều quan trọng trong trường hợp này là sự tự điều chỉnh để cải thiện giấc ngủ của mình. Tuy nhiên nếu mất ngủ làm ảnh hưởng tới sức khỏe cần phải xem xét, đánh giá mức độ mất ngủ để điều trị. Nếu mất ngủ do nguyên nhân bệnh tật cần điều trị bệnh rồi sau đó kết hợp với đông y để điều trị mất ngủ. Điều quan trọng cần xem xét kết hợp giữa thuốc Tây y với thuốc đông y ở giai đoạn nào cho phù hợp.
Đối với mất ngủ không do bệnh tật gây ra, đa số là không tìm thấy nguyên nhân (còn gọi mất ngủ vô căn hay bệnh tâm căn)), trong đông y ghép vào hội chứng suy nhược (suy nhược thần kinh). Nếu kéo dài gây suy nhược cơ thể.
Mất ngủ vô căn được quy kết vào các chứng trạng:
Thực chứng: do cảm nhiễm một thứ tà khí phong, hàn, thấp, nhiệt...; cơn bốc hỏa (hỏa vượng); do sang chấn, ngã, đau; do can vượng và can uất (uất ức).
Hư chứng: khí huyết hư (mà huyết nuôi dưỡng tâm nên khi huyết hư thì tâm hư); tâm tỳ hư (gây rối loạn tiêu hóa, đàm thấp trệ tức là mỡ máu cao); can thận hư...
Để điều trị, trước hết cần áp dụng các biện pháp không dùng thuốc. Điều quan trọng thày thuốc sẽ tìm hiểu hướng dẫn cho bệnh nhân tự khắc phục, điều chỉnh về mặt tâm lý và tinh thần giúp họ có được tâm lý thoải mái hơn. Sau đó dùng các biện pháp như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu...
Trường hợp phải dùng đến thuốc đối với đông y tùy theo thực chứng hay hư chứng sẽ có bài thuốc, dạng thuốc sử dụng thích hợp. Các vị thuốc có tác dụng an thần thông thường trong đông y như: táo sen, bá tử nhân, viễn chí, hạt sen, tâm sen, chu sa, thần sa... sẽ có tác dụng hỗ trợ điều trị mất ngủ. Khi sử dụng phải do thày thuốc kê đơn và hướng dẫn cách sử dụng sắc, uống.... Người bệnh cần tuân thủ mới đạt hiệu quả chữa bệnh và tránh những bất lợi cho người bệnh do thuốc gây ra.
Thu Hương (thực hiện)
No comments:
Post a Comment
để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))