Trao đổi với VnExpress.net, nhiều chuyên gia pháp luật nhận xét, dù Nghĩa từng nói trước tòa sẽ không kháng cáo nhưng trước cái sống và chết, phạm nhân mang án tử hình thường làm như Nghĩa để kéo dài thời gian được sống.
Luật sư Ngô Ngọc Thủy (bào chữa cho Nghĩa) lạc quan rằng cơ hội được chấp thuận kháng cáo của sát thủ vụ "xác không đầu" không phải là không có. Ông cho rằng, Nghĩa chặt xác người yêu cũ là sau khi đã giết, anh ta thực hiện hành vi đó để phi tang, che giấu. Vì thế chỉ có thể coi hành vi đó là che giấu tội phạm man rợ.
"Tại phiên tòa, Nghĩa cũng thể hiện sự ăn năn, thành khẩn. Nghĩa có nhân thân tốt, lại là con một trong gia đình, theo tôi đó cũng là các yếu tố mà HĐXX nên xem xét và cân nhắc", ông Thủy cho hay.
Luật sư Nguyễn Thị Phượng cũng cho rằng: "Có khả năng tòa phúc thẩm sẽ xem xét nội dung kháng cáo của Nghĩa". Theo phân tích của bà Phượng, giết người một cách man rợ phải được hiểu là người phạm tội thực hiện các hành vi man rợ nhằm tước đoạt tính mạng của người khác, làm cho nạn nhân đau đớn, quằn quại trước khi chết. Còn Nghĩa thực hiện hành vi man rợ với xác chết của nạn nhân, nhằm che đậy tội ác.
Hai bị cáo Nghĩa và Yến tại phiên tòa chiều 14/7. Ảnh: Hoàng Hà. |
Phản bác quan điểm trên, luật sư Vũ Tiến Vinh đánh giá, hành vi giết người do Nguyễn Đức Nghĩa gây ra là một trong những vụ hình sự man rợ nhất nước từ trước đến nay.
"Nghĩa kháng cáo về một lý do khác thì có lẽ thuyết phục hơn là lý do giết người không man rợ, bởi hành vi giết người của bị cáo đã thể hiện đầy đủ yếu tố man rợ, mất nhân tính đến tột độ. Vì thế, kháng cáo của bị cáo Nghĩa sẽ khó được chấp thuận", ông Vinh bày tỏ quan điểm.
Theo luật sư này, bị cáo không còn khả năng cải tạo để trở thành công dân tốt. Việc tuyên tử hình với Nghĩa cũng thỏa mãn yêu cầu răn đe và phòng ngừa tội phạm trong xã hội.
Còn thạc sĩ luật học Phạm Thanh Bình cho rằng, Nghĩa có ít nhất 3 tình tiết định khung tăng nặng. Đó là “giết người mà liền ngay sau đó phạm một tội đặc biệt nghiêm trọng”, “thực hiện tội phạm một cách man rợ”; và “phạm tội có tính chất côn đồ” quy định tại các điểm e, i và n khoản 1 Điều 93.
Điều này thể hiện ở việc sau khi sát hại người yêu cũ, Nghĩa đã phi tang và xóa dấu vết ngay. Anh ta mang đem một phần thi thể của nạn nhân vượt gần 200 km về Quảng Ninh để phi tang, vứt xác lõa thể lên sân thượng của tòa nhà chung cư...
"Như vậy, việc kháng cáo về hành vi giết người không man rợ là không thuyết phục", ông Bình nhận xét.
Luật sư Nguyễn Thị Phượng cho biết, theo quy định phiên phúc thẩm tại TAND Tối cao sẽ được mở sau 3 tháng kể từ ngày bị cáo kháng cáo. Nếu đơn chống án không được chấp nhận, Nghĩa vẫn có cơ hội được gửi thư lên Chủ tịch nước xin ân xá án tử hình trong vòng 7 ngày sau khi bản án có hiệu lực.
Theo luật thi hành án hình sự có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, việc xử bắn tử tù được thay thế bằng tiêm thuốc độc.
No comments:
Post a Comment
để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))