"Bạc tóc" ngồi tù vì con...

Ở cái tuổi lẽ ra an nhàn cùng con cháu nhưng những người phụ nữ ấy hàng ngày đang lặng lẽ trả giá sau song sắt. Phạm tội từ việc gánh trách nhiệm nuôi những đứa con nghiện ngập, cũng là điều đau đớn, xót xa thay cho những người mẹ lầm lỗi này...
1. Bước lên bậc thềm, bà Vũ Thị Đương phải dùng tay chống lên đầu gối để lấy sức. Từng bước chậm rãi vào phòng, bà Đương rụt rè: "Dạ, xin chào quý khách!". Nhìn mái tóc bạc trắng như cước của bà Đương, sống mũi của tôi chợt cay sè.
Trước khi tiếp xúc với bà Đương, tôi được cán bộ quản giáo thông tin: bà Vũ Thị Đương năm nay 74 tuổi, ở Ao Dài, Tô Hoàng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, án tù 52 tháng về tội mua bán trái phép chất ma túy, thụ án tại trại từ ngày 29/12/2008.
"Bà mua bán ma túy như thế nào?" - Tôi hỏi. Bà Đương ngập ngừng giây lát rồi kể: "Buổi tối, tôi ngồi quạt ngô ở đầu ngõ. Có đứa nghiện cũng ngồi mua ngô ăn. Chúng nó hỏi tôi: "Mẹ có biết ai bán hàng trắng không?". Nhiều lần như vậy, tôi tính đến chuyện bán ma túy, vì tôi nghĩ mình già rồi, ngồi bán ngô sẽ không có ai nghi ngờ gì. Sáng nào cũng vậy, tôi dậy từ 4 giờ sáng, đi lên khu vực chợ cầu khỉ ở Tương Mai mua ngô về nướng bán ở ngay đầu ngõ. Thấy mấy đứa nghiện vào mua ma túy ở một hàng nước gần đó, tôi đợi chúng nó đi rồi cũng vào hỏi mua.
Tôi nói: Mày bán cho mẹ "mấy cái"? Lần đầu tiên, chúng nó lừ mắt hỏi: Cái gì? Tôi bảo: Ma túy ấy. Nó chối phăng, bảo làm gì có rồi đuổi đi. Nhưng tôi nằn nì, bảo mua về cho con trai nghiện, chúng mới bán. Cũng không có tiền nhiều, mỗi ngày tôi chỉ mua vài gói về bán kiếm lời. Tôi giấu heroin vào bao ngô. Tôi mua 80.000 đồng/gói, bán lại cho chúng nó 100.000 đồng".
- Bà bị bắt như thế nào?
- Hôm ấy, tôi vẫn ngồi bán hàng như mọi ngày. Khi tôi đang đưa ma túy cho khách thì các anh Công an phường ập vào. Tôi biết, bán ma túy, không sớm thì muộn sẽ bị bắt...
- Vì sao bà lại đi bán ma túy?
Như chạm vào nỗi lòng mình, bà Đương òa khóc, nước mắt chảy dài trên đôi gò má nhăn nheo. Bà liên tục đưa ống tay áo lên quệt nước mắt. Dứt cơn xúc động, bà Đương kể, cuộc đời bà là chuỗi những ngày vất vả.
Nhà có 5 anh chị em, bà Đương là chị cả. Tất cả các em bà đều được học hành tử tế, cuộc sống khá giả, riêng bà là lận đận. Sinh ra thời chiến tranh, mẹ đẻ rơi dọc đường chạy giặc nên bà không được khai sinh.
Năm 13 tuổi, cả gia đình từ nơi tản cư trở về Hà Nội. Lúc này bà mới được đi học vỡ lòng. Lớn lộc ngộc, bà thành tâm điểm để các bạn trêu chọc. Mặc cảm và xấu hổ, bà bỏ học luôn, đi làm phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Bà làm đủ nghề, lúc đầu ẵm em thuê cho các gia đình khá giả, sau theo bố kéo xe, làm công nhân trong các công trường xây dựng. Năm 23 tuổi, bà lấy chồng, cũng là công nhân. Làm việc vất vả, chồng bị lao phổi, sức khỏe yếu nên gánh nặng gia đình nuôi 6 đứa con đổ dồn lên đôi vai của bà Đương. Nhà nghèo, các con bà chỉ học hết lớp 6 là bỏ học.
Trong ngôi nhà chật chội chưa đầy 30 mét vuông, 3 thằng con trai lớn lộc ngộc vẫn chưa vợ, nghề nghiệp cũng chẳng ra đâu vào đâu, lại nghiện ma túy cả ba. Bà Đương xoay đủ nghề để kiếm tiền nuôi các con, ngày bán mớ rau, con ốc, tối bán ngô luộc, ngô nướng ở đầu ngõ. Đồ đạc trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc tivi đen trắng đã cũ mèm.
Bi kịch lại rơi xuống đầu bà Đương khi cùng lúc, hai đứa con trai là Vũ Khắc Hùng và Vũ Khắc Hấn bập vào ma túy. Cô con gái thứ 4 giống bố cũng mắc bệnh phổi. Nuôi con ăn chưa đủ, bà lại phải lo chữa bệnh cho chồng và con gái.
Túng làm liều. Năm 1997, bà Đương biến nhà mình thành địa điểm cho các đối tượng nghiện vào sử dụng ma túy để lấy tiền. Bà bị tuyên án 8 năm tù về tội chứa chấp sử dụng ma túy, thụ án tại Trại giam Thanh Xuân. Trong thời gian này, tai họa lần lượt ập xuống. Năm 1998, Vũ Khắc Hấn chết.
Năm 2000, chồng bà Đương cũng từ giã cõi đời. Năm 2003, khi bà Đương được giảm án, tha tù trước thời hạn. Về nhà chưa được bao lâu, bà phải lo tiếp 2 cái tang trong cùng một năm của con trai Vũ Khắc Hùng và con gái Vũ Thị Hồng.
Nhưng đời bà Đương vẫn chưa hết khổ. Lưng đã còng, tóc đã bạc, bà Đương vẫn phải lo cho cậu con trai lớn Vũ Khắc Hoàn 2 lần ngồi tù về hành vi đánh nhau, cố ý gây thương tích. Lần hồi nuôi con bằng mẹt ngô nướng ở địa bàn phức tạp về ma túy, nguyên nhân khiến bà Đương bán thứ hàng trắng mà chính con bà là nạn nhân, cũng là điều dễ hiểu. Vừa có nguồn ma túy cung cấp cho con sử dụng, vừa có tiền sinh sống.
Bà bảo, vẫn biết bán ma túy là có tội với pháp luật, có tội với các gia đình có người nghiện. Bản thân bà nuôi 3 con nghiện, bà quá hiểu nỗi đau của các gia đình có con mắc nghiện. Nhưng giá như một thân một mình bà thế nào cũng xong. Đằng này bà phải chịu đựng thêm gánh nặng nuôi con. Người mẹ nào đành lòng nhìn con đói. Với người mẹ thì cho dù có trưởng thành rồi, nhưng đứa con vẫn là những đứa trẻ. Đằng nào thì bà cũng già rồi, có vào tù vì con bà cũng cam lòng. Thế là bà tặc lưỡi làm liều...
2. Cao tuổi nhất là phạm nhân Nguyễn Thị Nhường (77 tuổi) ở Khu 4, thị trấn Đáp Cầu, Bắc Ninh. Bà Nhường phạm tội tàng trữ trái phép ma túy, án 30 tháng tù giam. Hôm chúng tôi đến Trại Ngọc Lý, bà Nhường đang được điều trị đau mắt tại Bệnh xá. Nói đến bà Nhường, cán bộ quản giáo đều lắc đầu, thở dài thương cảm. Nuôi 10 đứa con đã cực, lại gánh thêm một đứa con nghiện, không phải người mẹ nào cũng có sức chịu đựng như bà Nhường.
"Bạc tóc" ngồi tù vì con..., An ninh - Hình sự, vu an, ma tuy, heroin, an ninh, hinh su.
Phạm nhân Nguyễn Thị Nhường
Thời điểm bà Nhường phạm tội diễn ra từ đầu năm 2006. Lúc đó, "cơn bão" ma túy đang tràn về khu dân cư số 1 Đáp Cầu, nơi bà Nhường sinh sống. Nằm giáp sông Cầu, cư dân ở đây phần lớn là lao động nghèo, chủ yếu sinh sống bằng nghề cơ giới vận tải tàu, thuyền. Hơn 800 nhân khẩu nhưng có tới gần 50 người nghiện, trong đó 3 người nhiễm HIV. Phần lớn số con nghiện đều đã được đưa đi cai, nhưng khi trở về lại nghiện.
Đứa con thứ 9 của bà Nhường nằm trong số con nghiện này. Suốt đời nhường nhịn nuôi 10 đứa con, cuộc đời bà chưa được một bữa ngon. Đồ đạc trong nhà chỉ có những vật dụng cơ bản, nay lại bị đứa con nghiện lần lượt xách đi. Khi cơn nghiện lên, nồi thức ăn đang nấu dở, nó cũng sẵn sàng đổ ra nền nhà để mang nồi đi bán.
Cái chậu giặt bằng nhôm Liên Xô, bà giữ gìn hàng chục năm, nó cũng mang đi bán cho đồng nát. Cái gì bán được, nó mang đi tất. Chỉ khổ cho bà, chạy ăn từng bữa không xong, lại chạy vạy, vay mượn đủ mọi nơi để sắm lại những đồ dùng thiết yếu. Bà bảo mỗi khi lên cơn vật, thằng con lại bắt bà đi mua ma túy, vì nó biết bà già rồi, Công an ít để ý.
Thương con, không ít lần bà phải ngửa tay, muối mặt với hàng xóm để có tiền cho con giải cơn vật. Nhưng vay cũng chỉ được một vài lần. Người ta thương bà, nhưng cũng chẳng thể giúp bà mãi. Thôi thì liều mạng cái thân già, bà nhắm mắt đi mua bán cái thứ chết người này, để thằng con nó đỡ hành hạ bà mỗi khi lên cơn nghiện, mà bà cũng có tiền sinh sống.
"Bạc tóc" ngồi tù vì con..., An ninh - Hình sự, vu an, ma tuy, heroin, an ninh, hinh su.
Phạm nhân nữ ở Trại giam Ngọc Lý sau giờ lao động.
Kết cục của ma túy bao giờ cũng nghiệt ngã. Đứa con nghiện ngập chết vì suy kiệt. Ngày 10/1/2006, bà Nhường bị Công an Bắc Ninh bắt về tội mua bán ma túy. Do cao tuổi nên bà được tại ngoại. Sau một thời gian, ngày 10/11/2008, bà vào Trại giam Ngọc Lý trả án.
Trong đợt xét đặc xá dịp 2/9/2009, bà Nhường là một trong số những phạm nhân được Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an thăm hỏi tình hình trong đợt công tác kiểm tra công tác đặc xá tại trại giam này.
Sau khi nắm hoàn cảnh của bà, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm căn dặn: Nhà nước có chính sách với phạm nhân tuổi cao, sức yếu, ưu tiên xét đặc xá, do vậy cần hiểu được ý nghĩa chính sách này. Bà thấy rưng rưng xúc động, bởi pháp luật luôn mở đường khoan hồng cho những người phạm tội. Cuộc đời cay đắng, tủi nhục vì con, nhưng bà vẫn còn niềm tin và hi vọng ngày trở về khi đã thành tâm hối cải...
3. Các cán bộ quản giáo của Trại giam Ngọc Lý cho biết, đối với những phạm nhân nữ cao tuổi như bà Đương, bà Nhường, Trại ưu tiên cho họ được làm những công việc nhẹ nhàng như quét nhà, quét sân tại khu vực buồng giam. Cán bộ trại cũng luôn nhắc nhở các phạm nhân khác phải quan tâm, giúp đỡ họ. Phạm nhân cao tuổi, sức khỏe cũng không tốt nên trại thường xuyên đảm bảo chế độ chăm sóc y tế, khám chữa bệnh định kỳ cho họ.
Rời Trại giam Ngọc Lý, hình ảnh những mái đầu bạc phơ của các nữ phạm nhân cứ đeo đẳng tôi nhiều ngày. Lưng còng tóc bạc phạm tội vì con âu cũng là lẽ thường của tình mẫu tử. Nhưng liệu những đứa con của họ, đã bao giờ chạm vào mái tóc của mẹ...

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))