Quốc Trung: 'Tôi chưa đạt được giấc mơ của mình'


'Tôi mơ đem nhạc của mình ra chia sẻ với thế giới. Nhưng giấc mơ ấy vẫn còn dở dang. Sự thất bại của tôi không phải do yếu tố tài năng mà do môi trường hoạt động', nhạc sĩ 'Ngày không mưa' tâm sự về nghề nghiệp.

Những bất cập của nền âm nhạc Việt Nam đương đại được thẳng thắn mổ xẻ, bàn luận trong chương trình về âm nhạc, chủ đề "Cái riêng và cái chung" với diễn giả là nhạc sĩ Quốc Trung. PV ghi lại quan điểm của Quốc Trung nhìn nhận về âm nhạc Việt Nam tại buổi talk show, diễn ra ngày 21/4 tại TP HCM, do tổ chức giáo dục Pace tổ chức.
Nhạc sĩ Quốc Trung làm diễn giả cho chương trình "Chia sẻ và suy ngẫm" với chủ đề "Âm nhạc, cái riêng và cái chung". Ảnh: D.L.
Tôi có một giấc mơ vẫn chưa thực hiện được
Từ bé, tôi đã học nhạc nhưng lại ít được tiếp xúc với nền âm nhạc nước ngoài. Bố mẹ tôi khuyên rằng theo đuổi lĩnh vực này thì phải nghiên cứu và bám vào âm nhạc dân gian Việt Nam. Vì vậy, nhạc của tôi luôn lấy chất liệu của nhạc dân tộc như chèo, quan họ. Hiện nay, đời sống âm nhạc Việt Nam đang đi xuống, đó là lỗi của tất cả những người hoạt động âm nhạc, trừ khán giả.
Tôi có cơ hội đi học tại nước ngoài 2 năm. Sau khi về nước, tôi thành lập một ban nhạc Jazz và đệm đàn cho Thanh Lam hát. Tôi cùng Thanh Lam tham gia rất nhiều chương trình festival âm nhạc quốc tế. Biểu diễn nhiều và quen biết nhiều khiến tôi ước mơ rằng âm nhạc của tôi sẽ được chia sẻ ra thế giới. Năm 2006, tôi mang chương trình "Đường xa vạn dặm" đi biểu diễn tại Đan Mạch. Sau đó, tôi được một người giới thiệu làm đại sứ âm nhạc Việt Nam, mang demo các sáng tác của mình đi giới thiệu với các festival âm nhạc tại Châu Âu. Tôi cứ nghĩ lúc đó ước mơ của tôi thành hiện thực, nhưng không may ông giám đốc công ty thực hiện chương trình của tôi qua đời. Giấc mơ của tôi dở dang và không thành hiện thực, tôi đã suy nghĩ rất nhiều.
Cá nhân tôi không phải là người tài giỏi. Sự thất bại của tôi ở đây không phải là sự thất bại của một tài năng mà là của môi trường hoạt động. Nếu ta không có một thị trường dành cho các nghệ sĩ thế giới thì không bao giờ ca sĩ Việt Nam có thể hội nhập vào thế giới. Tôi cho rằng, nghệ sĩ chúng ta không có kỹ năng để hòa nhập vào đời sống âm nhạc bên ngoài.
Nghệ thuật quan trọng nhất là sáng tạo
Sự sáng tạo trong âm nhạc đòi hỏi dấu ấn cá nhân rất cao. Nếu không có dấu ấn riêng thì sẽ không thể nổi bật lên được. Đây là tiêu chí quan trọng mà những người làm nhạc Việt Nam chưa có được. Tôi có cơ hội tham gia nhiều chương trình âm nhạc lớn của Việt Nam và thấy nhiều bất cập. Chẳng hạn như chương trình Bài hát Việt, một chương trình luôn đề cao giá trị âm nhạc dân tộc và đòi hỏi người sáng tác phải luôn có chất Việt Nam hay còn gọi là "đậm đà bản sắc dân tộc". Theo tôi, âm nhạc không thể áp đặt thế này hoặc thế khác mà âm nhạc chính là tiếng nói tâm hồn của người sáng tác.
Môi trường âm nhạc cần tôn trọng sự sáng tạo của các cá nhân. Khi có cái riêng thì mới có cái chung. Với tôi, người được coi là người nghệ sĩ Việt Nam nhất là người Việt Nam được thế giới công nhận. Và nghệ sĩ guitar Nguyên Lê là một ví dụ cho một người nghệ sĩ Việt Nam thực thụ, bởi anh ấy đánh nhạc jazz nhưng lại có sự nhấn nhá của cải lương Việt Nam, đây là sự khác biệt mà không ai làm được. Bởi anh ấy có những cái riêng trong cái chung của thế giới. Bất cứ người nghệ sĩ nào có cái riêng đều được công nhận. Mà theo tôi, muốn có được cái riêng thì phải đi từ cái chung, tức là đi từ nguồn cội của con người.
Tôi dùng hai từ "duy lý trí" và "bong bóng" để nói về đời sống âm nhạc Việt Nam
Đời sống âm nhạc bao gồm rất nhiều yếu tố - thị trường, văn hóa, lịch sử - tạo nên. Việt Nam có những đặc thù rất riêng và không giống bất cứ đâu trên thế giới. Gần đây đời sống âm nhạc đi xuống rất thấp. Đến một lúc nào đó, nó cần được sắp xếp bài bản theo quy trình. Điều đó dựa trên yếu tố con người.
Đời sống âm nhạc Việt Nam xuất phát từ truyền thống cổ hủ, phong kiến, là sự áp đặt của người quản lý với người trẻ, từ thế hệ trước đến thế hệ sau. Sự áp đặt này sẽ khiến cho nền âm nhạc khó phát triển. Vì vậy mà người ta không tự tin chấp nhận những cái khác biệt, trong khi đó âm nhạc là phong phú.
Quốc Trung đang nỗ lực kiến tạo và thúc đẩy một nền âm nhạc mới cũng như phong trào thưởng thức âm nhạc mới của Việt Nam. Ảnh: D.L.
Ngoài ra, chúng ta không có được một truyền thống âm nhạc chuyên nghiệp, ta không có sự lưu trữ, biểu diễn (trong khi đó, từ xa xưa âm nhạc nước ngoài đã được biểu diễn và có những trường dạy nhạc chuyên nghiệp) mà chỉ truyền miệng. Thêm nữa, truyền thống thơ ca đã khiến cho âm nhạc bị lệch đi. Việt Nam chỉ chú trọng đến phần lời mà không chú ý đến phần khí của nhạc.
Thật ra tôi rất kỵ việc đem phổ một bài thơ thành một bài nhạc. Ở phương Tây, người viết bài hát người ta không gọi là nhạc sĩ mà gọi là "song writer". Viết bài hát không đòi hỏi kỹ năng âm nhạc mà chỉ cần năng khiếu và cảm xúc. Nếu như chỉ nghe ca khúc mà không nghe nhạc không lời sẽ làm giảm khả năng tưởng tượng của người nghe nhạc. Âm nhạc muốn phát triển thì phải nghe nhạc không lời chứ không phải là ca khúc.
Đặc biệt, chúng ta không có sự giao thoa với âm nhạc bên ngoài. Chúng ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi âm nhạc Trung Hoa trong 1.000 năm bị đô hộ. Cho đến khi thống nhất, đất nước rơi vào thời kỳ thiếu tự tin, sợ sệt , tạo nên sự khép kín. Và đến giờ, sự giao thoa âm nhạc với bên ngoài vẫn chưa có.
Sự "duy ý chí" ở đây chính là chúng ta không coi âm nhạc như một cái nghề. Các nghệ sĩ luôn miệng nói là cống hiến cho nghề nhưng mà không sòng phẳng với chính nó. Và chúng ta bị hạn chế ở cái gọi là "đậm đà bản sắc dân tộc". Âm nhạc Việt Nam chưa có một định hướng và một kế hoạch rõ ràng. Sự không rõ ràng giữa nhạc thị trường và không thị trường khiến chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn. Sự đầu tư của nhà nước còn quá dàn trải và thiếu hụt về đào tạo.
Nhạc sĩ Quốc Trung là người sáng tác, biên soạn và là nhà sản xuất của hầu hết các ngôi sao ca nhạc hàng đầu Việt Nam như Thanh Lam, Hà Trần, Hồng Nhung. Với kinh nghiệm lâu năm trong các thể loại nhạc mới: world music, new-age, nhạc điện tử, Quốc Trung là người có khả năng kết hợp âm nhạc truyền thống Việt Nam với âm nhạc hiện đại mà vẫn luôn tạo được bản sắc độc đáo.
Trong sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Quốc Trung đã đạt được nhiều giải thưởng âm nhạc và thực hiện nhiều chuyến lưu diễn tại nhiều nước trên thế giới. Anh cũng có mặt tại các festival âm nhạc uy thế giới như Montreux Jazz Festival, Roskilde Music Festival và biểu diễn cùng với nhiều ngôi sao âm nhạc như Stephan Eicher, Manu Katche… Đặc biệt, những năm gần đây, sự cộng tác của anh với nhà sản xuất Niels Lan Doky (trong hai dự án “Asian Sessions” - Universal và “Wishing Upon The Moon”) đã thu được những thành công vang dội tại Việt Nam và Đan Mạch. Năm 2011, tên tuổi của anh lại được giới âm nhạc và công chúng yêu nghệ thuật biết đến nhờ các giải thưởng trong lĩnh vực viết nhạc cho phim.

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))