Cha mẹ tái hôn thường để lại cảm giác tủi thân, lo lắng cho trẻ, do đó, trẻ cần được tiếp cận thông tin này một cách từ từ, tự nhiên. Ảnh:elizabethannedesigns.com. |
“Sao mẹ lại làm thế, em mới chỉ gặp ông ấy có vài lần mà mẹ đã nói sẽ tái hôn với ông ấy. Mẹ không nói gì trước đó, không tôn trọng em!”, lời tâm sự của Linh (17 tuổi, Kim Giang, Hà Nội) lẫn trong nước mắt và những tiếng nấc.
Bố mẹ Linh chia tay nhau đã bảy năm, vì bố hay đi công tác xa và có người khác. Một tối, mẹ vào phòng Linh nói chuyện và thông báo quyết định sẽ tái hôn. Vốn quen với bảy năm không có bố, không có người đàn ông nào trong nhà nên bây giờ tưởng tượng đến cảnh tự dưng phải gọi một người lạ hoắc bằng “bố”, cô gái trẻ thấy không thể chấp nhận được.
“Mẹ và bác ấy là bạn thân từ ngày xưa, bác ấy có đến nhà ăn cơm vài lần. Nhưng sau những buổi đó mẹ cũng không nói gì, hay tâm sự về ý định của mẹ, nếu mẹ nói trước đó thì đã khác, mẹ phải hỏi em xem em nghĩ gì chứ!”, Linh ấm ức kể. Cô giận mẹ đến mức cuối tuần vừa rồi đã từ chối không đi ăn cơm với mẹ, không chịu ra khỏi phòng và về nhà không nói với mẹ một câu.
“Bố mới mất được 4 năm thế mà mẹ đã định tái hôn với người khác, mẹ không hiểu làm như thế là tổn thương đến em rất nhiều. Không hề báo trước, một ngày mẹ đưa em và em gái đi ăn nhà hàng, ông ấy xuất hiện và nói rằng sẽ tái hôn với mẹ”, Trung kể. Lý do khiến cậu phản ứng mạnh là vì không hiểu và không biết gì về người đàn ông này, sợ ông ta là người không tốt, và hai anh em sẽ khổ.
Ở tuổi 38, mẹ của Trung trông vẫn còn trẻ và Trung hiểu mẹ cần một người đàn ông bên cạnh để đỡ đần cho cuộc sống, nhưng cậu vẫn không khỏi lo lắng, suy sụp tinh thần khi chuẩn bị tiếp nhận một người mới trong gia đình.
Khác với hai trường hợp trên, Phương (19 tuổi, Trần Quý Cáp, Hà Nội) dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng vẫn không tránh khỏi bàng hoàng, tủi thân.
"Khi bố mất vì tai nạn, mẹ đã rất buồn, nhiều khi thấy mẹ khóc một mình em thương lắm, thấy mẹ dựa vào đôi vai nhỏ bé của mình mà thương mẹ, nên mẹ đi lấy chồng cũng vui, mà cũng buồn”, cô gái trẻ tâm sự.
Phương sợ cảnh một người không phải là bố đi lại trong nhà, cùng ăn cơm, và sợ hơn hết là một cuộc sống mới khác hoàn toàn với trước kia. “Mẹ nói nếu kết hôn, thì hai mẹ con sẽ chuyển đến nhà của bác ấy ở. Thế là cái gì cũng xa lạ, và cái gì cũng không phải là của mình!”, cô lo lắng nói.
Từng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi quyết định tái hôn, chị Hương (42 tuổi, Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) tâm sự về phản ứng của con gái mình:“Con bé chỉ ngồi lặng im, nó cười nhưng mấy ngày sau đó thì thấy ít nói cười hẳn, không trách móc, không phản đối. Cứ thu mình trong phòng, làm gì cũng lâu hơn bình thường, ăn một bữa cơm mà tôi thấy nặng nề như hàng tiếng đồng hồ. Lúc đó nếu bỏ ý định tái giá để con bé vui vẻ như bình thường thì cũng bằng lòng”.
Chị Hương đã đưa con gái thoát khỏi tình trạng đó bằng cách cùng con đi chơi và dành nhiều thời gian tâm sự với con. “Thường thì trẻ rất nhạy cảm, đối với con bé mẹ đang là tất cả, bỗng dựng bị san sẻ với người khác, chúng thấy dễ bị tổn thương, tủi thân”, và chị tâm niệm phải giúp con vượt qua cú sốc tinh thần. Sau hơn 4 tháng từ ngày thông báo với con gái quyết định quan trọng, đám cưới của chị đã được tổ chức trong nụ cười tươi tắn của con.
Trên thực tế, không ít bạn trẻ đã gọi điện đến các tổng đài tư vấn để tâm sự về chuyện mẹ (cha) tái giá. Cũng rất nhiều bà mẹ đã gọi điện đến xin lời khuyên trước những phản ứng tâm lý và hành động bất ngờ của con.
Bà Nguyễn Bích Hiền, Trung tâm tư vấn tâm lý Hà Nội đưa ra giải pháp: Trước tiên mẹ (cha) hãy cho con làm quen với người mình định tái giá theo những cách tự nhiên nhất như: Đi chơi, đi ăn uống cuối tuần với một nhóm bạn bè, hãy để ý và tạo ấn tượng tốt cho trẻ để chúng tự cảm nhận được mọi thứ và do đó sẽ hạn chế nhưng phản ứng đáng tiếc khi nghe tin chính thức.
"Trẻ nhận thức được sự thay đổi cuộc sống và trong tâm thức chúng thấy nhiều mối lo sợ và bất ổn, đây là một quyết định quan trọng của cuộc đời vì vậy người lớn hãy xây một cái cầu thang tâm lý theo từng bậc một, dần dần và tuyệt đối không được vội vàng", bà Hiền nói.
Ông Nguyễn Hồi Loan (giảng viên khoa tâm lý, ĐH Khoa Học Xã Hôi & Nhân Văn) thì đưa ra nhận định: Hiện nay trên thế giới cứ 100 cặp kết hôn thì có gần 50 cặp ly hôn và trong số đó có 50% số người có quyết định tái hôn. Nên việc có cha mẹ tái hôn không phải là điều quá xa lạ và dị thường. Việc các em có phản ứng tâm lý gay gắt hay trầm cảm là tâm lý thông thường. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của người lớn, ai cũng có quyền được có một gia đình, các em cần có một gia đình riêng nhỏ bé. Khi đưa ra quyết định tái hôn chắc chắn bố hoặc mẹ đã phải suy nghĩ rất kỹ, vì thế các bạn trẻ hãy tự mình cứu bản thân khỏi tâm trạng u uất và ủng hộ quyết định đó.
Đồng Phương Thảo
No comments:
Post a Comment
để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))