Đoạn trường yêu 'phi công trẻ'

Ảnh: Hoàng Hà.
“Lúc đầu khi biết anh kém tuổi, dù tôi đã có chút tình cảm nhưng cũng ngại lắm. Tôi quyết tâm gạt đi, nghĩ thầm cậu ta chỉ đáng tuổi em trai mình. Nhưng tình cảm cứ đến, tôi cũng không biết làm sao”, Lan bộc bạch.
Lan và Thanh ngồi làm việc cùng tòa nhà, làm chung dự án tại một công ty ở quận 3, TP HCM nên cô bắt đầu chat và trao đổi thường xuyên với Thanh. Mỗi lần gặp đối tác, ăn trưa, đi chơi với đồng nghiệp cả hai có cơ hội đi chung nên bị ghép đôi. Thế là từ tình đồng nghiệp, đôi trẻ thành bạn thân, rồi "lên hạng" bạn yêu dù chàng nhỏ hơn nàng 5 tuổi.
Tuy kém tuổi hơn Lan, nhưng trông Thanh già dặn và từng trải vì sớm tự lập, đi làm từ thời còn sinh viên. Sau khi “bồ kết” chàng trước, nàng phát hiện ra chàng còn nhỏ tuổi đành ngậm ngùi rút lui vì yêu người đàn ông nhỏ tuổi hơn là điều xưa nay xã hội thường dị nghị.
“Nhưng càng chơi, gặp nhau nhiều, cả hai thân thiết, hiểu tính cách, sở thích và dễ đồng cảm, mà đồng cảm thì dễ tâm sự, dễ tâm sự lại thấy có phát sinh tình cảm”, Lan tâm sự.
Lan kể, dấu hiệu đầu tiên của cô là muốn gặp nhau nhiều hơn dù ngày nào cũng gặp. Còn Thanh cũng thường xuyên xuống chỗ cô chơi, kiếm cớ vì công việc, đi lấy hồ sơ, gặp mọi người để chạm mặt nhau. Rồi ngày nào không gặp hay không chat lại thấy thiếu thiếu. Tuy Lan đã “bật đèn xanh” nhưng gần nửa năm sau Thanh mới dám mạnh dạn tỏ tình.
Từ khi yêu người nhỏ tuổi hơn, Lan thường quan tâm đến những cặp "lệch pha" xung quanh và phát hiện nhiều cặp như mình. Cậu bạn từ thời cấp 3 của của cô cũng mới cưới một chị hơn 4 tuổi, bây giờ chị ấy đang có bầu. Hay cậu em họ sinh năm 88 cũng đang yêu nàng 86, bạn của ông anh cũng lấy một chị lớn hơn những 7 tuổi, chị hàng xóm lấy chồng nhỏ hơn 3 tuổi... “Chúng tôi đến với nhau vì tình cảm, tình yêu chứ không phải theo mốt”, Lan khẳng định.
Ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, Lan cho biết: “Yêu nhau hơn một năm nhưng tôi không thấy chênh tuổi xảy ra vấn đề gì ngăn cản tình cảm. Thậm chí tôi còn cảm giác trẻ và yêu đời hơn lúc trước". Tuy nhiên cũng theo cô, từ kinh nghiệm bản thân mình, "trong trường hợp 'chị - em', chàng ít tuổi mà tính tình trẻ con và non nớt thì tuổi thọ của cặp đó không bền vững, vì phụ nữ vẫn muốn yêu một người chín chắn, dù nhỏ tuổi”.
Một cặp “so le” khá nổi tiếng khác là Tuyết và Cường, làm việc trong một công ty tin học tại quận Tân Bình, TP HCM. Là sếp nữ được nhân viên bình chọn “hàng tồn kho, khó thanh lý”, Tuyết đã 35 tuổi vẫn chưa có bạn trai, cô lại là người rất kỹ tính. Nhiều chàng tiếp cận đều lắc đầu “chào thua” và nhận xét cô như một “bà giáo già”. Còn Cường là nhân viên mới vào Công ty, vui tính, hòa đồng, điển trai và được đồng nghiệp đánh giá là người “liệt dây thần kinh mắc cỡ”.
“Vì anh ấy 'mặt dày', hay đùa, nhiều lần tôi đã nổi giận nhưng vẫn bị trêu tức đỏ tím cả mặt. Dường như lâu lắm rồi không ai dám nói thẳng với tôi là tôi 'vừa già, vừa khó tính' nên tôi lại thích”, Tuyết bộc bạch.
Cường chia sẻ, anh ít tuổi hơn nên nắm chắc 70% khi tỏ tình sẽ bị từ chối. Anh nghĩ, vốn hay đùa, nếu bị từ chối anh sẽ linh động để không bị “quê” và khó xử cho nhau. Nhưng Cường đã bất ngờ vì Tuyết chủ động thổ lộ trước.
Thời gian đầu yêu nhau, trên công ty, cả hai đều cố gắng “công tư phân mình”. Nhưng tính cách và thái độ của Tuyết dần dần trở nên vui vẻ, dễ gần, ăn mặc trẻ trung hơn, hay cười đùa với đồng nghiệp khiến mọi người bất ngờ và lập “chiến dịch” điều tra làm rõ sự tình.
Đằng sau niềm vui, hạnh phúc của tình yêu, những đôi “chị-em” thường phải đối diện với sự phản đối của gia đình, sự không đồng tình của dư luận hay những tự ti về tâm sinh lý.
Cường kể, anh trai anh được các nàng trong công ty bình chọn là “đẹp như diễn viên Hàn” nhưng đi làm tại Vinaconex thì yêu một chị làm cùng hơn 7 tuổi. Sau khi lấy nhau hai người làm ăn khá lắm, giàu nhất trong “hội”. Nhưng hai vợ chồng trông chờ mỏi mòn hơn năm nay mà chưa có con. Ngày cưới, anh trai Cường bị gia đình phản đối quyết liệt vì cách xa tuổi sẽ bị làng xóm chê cười, trái với đạo lý của ông bà tổ tiên. Nhưng hai người quyết tâm. Bây giờ Cường cũng yêu một chị lớn hơn 6 tuổi nên anh rất lo lắng khi đưa Tuyết về ra mắt bố mẹ hai bên sẽ bị phản đối vì đã có “gương” trước mắt.
Tuyết cũng bùi ngùi: “Chênh nhau 6 tuổi, tôi biết mình sẽ già, xấu xí và không còn đẹp trong mắt anh ấy vì không ai tránh được quy luật tự nhiên. Nhiều người nói sau lưng rằng chưa có con tôi sửa soạn áo quần trông còn tạm được, chứ nếu sinh một đứa thì tôi thành mẹ của chồng. Tôi cũng hoang mang và chạnh lòng nhưng yêu nhau quá, biết làm sao”.
Còn với cặp của Lan và Thanh, vì Lan là người Hà Nội, Thanh lại là chàng trai dân tỉnh lẻ lên lập nghiệp, nhà cửa chưa ổn định, tuổi lại nhỏ hơn Lan nên bố mẹ cô “đòi sống đòi chết”. Họ mong con gái sẽ yêu người lớn tuổi hơn, gia thế khá giả để cô có chỗ dựa vững chắc.
“Quen nhau gần 2 năm nhưng chúng tôi vẫn hẹn hò lén lút. Mỗi lần đưa cô ấy đi chơi về, cô ấy bắt tôi cho xuống xe chỗ cách xa nhà, vì gần nhà quá bố mẹ hay bà con lối xóm tình cờ phát hiện”, Thanh tâm sự.
Chia sẻ về những trường hợp “chị-em” yêu nhau, chuyên gia tâm lý Trần Thế Thanh, Tổng đài 1080 TP HCM cho rằng, các chàng trai ít tuổi hơn luôn tìm thấy ở các chị sức hấp dẫn như chín chắn, lịch thiệp và tự tin trong giao tiếp khiến họ ngưỡng mộ. Họ tìm thấy ở đó sự tin tưởng, bao dung mà các cô gái trẻ không có. Phụ nữ trưởng thành biết cách chăm chút cho bản thân nhiều hơn, họ đẹp chẳng kém gì thiếu nữ đôi mươi nhưng có thêm phần mặn mà, và đó là nét quyến rũ.
Những “cậu em” có xu hướng thích yêu các “bà chị” thường là người sống tình cảm, thiên về nội tâm. Nhưng cũng vì ít tuổi hơn nên tình cảm của họ rất trong sáng, lãng mạn và có phần bồng bột. Còn những người phụ nữ trưởng thành ngày nay, họ mạnh mẽ hơn, tin vào chính bản thân, họ không quan tâm dư luận, tiêu chí xã hội xem là chuẩn mực hay chịu sự tác động từ gia đình đến hạnh phúc thật sự mà họ có được.
Nhật My

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))