Nhạc phim Việt: Nhạc sĩ có thể nhận hàng trăm triệu nhưng ...

Mặc cho thị trường nhạc Việt trong cảnh eo sèo, đời sống âm nhạc rơi vào bế tắc, các nhạc sĩ cứ cuốn theo hấp lực làm nhạc phim cho phim truyền hình, vừa có nhiều tiền vừa dễ được tiếng.

Cũng như nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, ca nhạc cũng không tránh khỏi cơn bão của phim truyền hình. Nếu ca sĩ từ ngôi sao đến hạng thường lần lượt đầu quân cho phim truyền hình trong vai trò diễn viên thì một lực lượng lớn nhạc sĩ cũng đổ xô đi viết và làm nhạc phim.

Vừa dễ vừa sướng
 
Thị trường nhạc Việt hiện nay vẫn cứ eo sèo. Đời sống âm nhạc đang rơi vào tình trạng bế tắc nhưng các nhạc sĩ, từ tên tuổi đến thường thường bậc trung, vẫn không thiếu việc làm. Có điều, họ không sáng tác ca khúc cho thị trường ca nhạc như trước đây mà chuyển sang làm nhạc cho phim truyền hình.
 
Cảnh trong phim Bỗng dưng muốn khóc -
nơi ca sĩ Minh Thư ghi dấu sáng tác ca khúc cùng tên.
 
Nhạc sĩ Quốc An chia sẻ: “Thỉnh thoảng, chúng tôi (các nhạc sĩ cùng trang lứa) vẫn viết ca khúc cho ca sĩ nhưng xem chừng làm nhạc phim có nhiều điều thú vị hơn, ít nhất là không phải chạy vạy tìm nơi khai sinh cho đứa con tinh thần của mình”.
 
Thực tế, không ít nhạc sĩ dù có tên tuổi vẫn thường gặp tình trạng “bị tổn thương” vì ca khúc của họ vẫn bị ca sĩ “dìm hàng” sau một thời gian dài mua độc quyền. Thế nên, tất cả họ đều thừa nhận “sướng” khi được các hãng sản xuất phim truyền hình đặt hàng làm nhạc phim.
 
Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, sướng hơn là nhạc sĩ không phải “vò đầu bứt tai” để tìm ý tưởng cho ca khúc vì ca khúc chủ đề trên phim được xây dựng dựa trên nội dung câu chuyện và thông điệp của bộ phim. Bên cạnh đó, nhạc sĩ cũng chỉ cần dựa vào một vài phân cảnh miêu tả một cách rõ nét tâm trạng nhân vật thật đặc biệt để phát triển phần nhạc nền chính cho phim. Sau đó, nhạc sĩ chỉ cần bám vào nội dung phim để có thể viết ca khúc chính.
 
Theo nhạc sĩ Quốc An (đang viết nhạc cho phim San hô đỏ dài 30 tập), quan trọng hơn, anh được phép sáng tạo một cách thoải mái và lựa chọn bất cứ ca sĩ nào mà anh thấy hợp với ca khúc của mình. Điều này khác hẳn khi viết ca khúc cho thị trường ca nhạc, trước khi viết phải nghĩ đến sẽ “đo ni đóng giày” cho ca sĩ nào và dựa vào ưu, nhược điểm của giọng ca đó để chỉnh sửa cho phù hợp.
 
Đó là chưa kể, khi ca khúc được phát liên tục trong nhiều tháng trời (đối với phim dài tập) trên sóng truyền hình thì ca khúc đó đến với công chúng và lan tỏa cũng nhanh hơn, nhiều hơn. Như vậy “rõ ràng cơ hội quảng bá của ca khúc trên phim cũng nhanh hơn so với việc ca khúc được ca sĩ biểu diễn trên sân khấu” - nhạc sĩ Quốc An
 
Được miếng lại được tiếng
 
Có hai hình thức thanh toán cho nhạc sĩ khi nhận viết nhạc cho phim. Đối với ca khúc chủ đề cho phim, nhạc sĩ được nhận mức thù lao thường cao hơn so với giá một ca khúc được bán độc quyền cho ca sĩ, khoảng từ 7 - 10 triệu đồng.
 
Thông thường, nhạc sĩ nhận bao trọn gói, tức là làm toàn bộ nhạc cho một bộ phim từ ca khúc chủ đề đến nhạc nền, nên thường được thanh toán thù lao theo mỗi tập phim. Theo các nhạc sĩ, thù lao trung bình mỗi tập dao động từ 1,5 triệu đến 2,5 triệu đồng, tùy theo mức độ tên tuổi của nhạc sĩ. Như vậy, với một bộ phim truyền hình kéo dài đến hàng chục tập, thậm chí hàng trăm tập thì thu nhập của các nhạc sĩ viết nhạc cho phim cũng lên đến hàng trăm triệu đồng.
 
Thực tế, nhiều cây viết đã để lại nhiều dấu ấn với cả khán giả truyền hình lẫn khán giả yêu nhạc khi tham gia viết nhạc cho phim. Trường hợp ca sĩ Minh Thư với ca khúc chủ đề Bỗng dưng muốn khóc trong bộ phim truyền hình cùng tên của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là một minh chứng. Ca khúc này trở thành hiện tượng trên thị trường ca nhạc sau đó cùng với thành công của bộ phim.
 
Và cái tên Minh Thư được ghi nhận như một nhạc sĩ sáng tác là bắt nguồn từ hiệu ứng này. Đó chính là lý do, sau bộ phim này, Minh Thư tiếp tục nhận được những lời mời hợp tác viết nhạc cho phim dù chuyên môn chính cũng như sở trường của cô là ca sĩ.
 
Ca sĩ Thủy Tiên cũng ít nhiều tạo tên tuổi khi tham gia viết nhạc cho phim Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt Nam cũng của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Công tâm nhận định những sáng tác của Thủy Tiên trong phim cũng chỉ dừng lại ở mức bình thường nhưng nó trở thành hiện tượng trên mạng trong suốt nửa tháng cuối năm 2009. Bản thân cô cũng được nhận giải thưởng Nhóm 5 ca sĩ có ca khúc được tải về nhiều nhất do Imuzik khảo sát. chia sẻ.
Có còn hơn không

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, người đã dành hơn một năm hợp tác làm nhạc với phim truyền hình, anh đang bỏ việc viết nhạc cho phim. Nguyên nhân khiến anh bỏ chạy là “viết nhạc cho phim mất quá nhiều thời gian”.
 
Nếu bộ phim đó được làm trong suốt một năm, điều đó đòi hỏi anh cũng phải dành khoảng thời gian tương đương để theo phim. Nghe tưởng rất đơn giản nhưng thật sự không lúc nào tôi dám rời phòng thu vì sáng tác nhạc phim phải bảo đảm tiến độ phát sóng của phim.
 
Tính nghệ sĩ thường lười nhưng khi đã bắt tay vào công việc này thì gần như không được phép lơ là” - nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ.

Nhạc sĩ Đức Trí cho hay: “Nếu nhìn vào số tiền mà nhạc sĩ được trả khi nhận lời thực hiện một dự án nhạc phim thì ai cũng sẽ tấm tắc cho là lớn. Thế nhưng, nếu trừ đi các khoản chi phí từ ca sĩ, phòng thu, đặc biệt là khoản đầu tư dàn nhạc để ca khúc đạt chất lượng như ý muốn thì cũng chẳng còn bao nhiêu”.

Thậm chí như Minh Thư nói: “Dù ca khúc của mình rất hay nhưng khán giả chẳng thèm xem phim thì cũng coi như khai tử”. Nhưng tất cả những yếu tố đó không đủ sức ngăn làn sóng nhạc sĩ đổ xô sang làm nhạc cho phim truyền hình vì đó là nhu cầu và với các nhạc sĩ là “có còn hơn không”.

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))