Có con – Tác giả: Phan Thị Vàng Anh

Về đến nhà thì cũng đã mệt rã rời. Tuyền dù có tắm nước lạnh, uống trà dược thảo, bật cả hai bóng đèn cho sáng loà cái phòng con, thì cũng không thức được. Tuyền chui vào giường, tự nhủ, thì đi ngủ. Mình sẽ chỉ như thế này hai năm nữa thôi, rồi sau đó sẽ chỉ làm những gì mình thích, còn bây giờ thì ngủ.
hoa dep 3 thumb Có con – Tác giả: Phan Thị Vàng Anh
Trong giấc mơ, Tuyền thấy mình đi chơi với Khang. Tỉnh dậy nhớ lại cũng vui vui. Phải đến một năm rồi họ không gặp nhau, kể từ khi khai trương cửa hàng Tuyền làm việc. Tuyền không phải đợi lâu. Ngay chiều hôm sau, Khang gọi. Khang nói, Khang nhớ Tuyền, và muốn đi chơi. Tuyền cũng không tin vào câu nói này nhưng thấy cũng chẳng thiệt hại gì mà không nói : "Đêm qua Tuyền cũng nằm mơ thấy Khang!". Đến lượt Khang, chỉ trong điện thoại, cũng không giấu nổi vẻ nghi ngờ. Hai người ăn một bữa ăn cảnh vẻ và nhạt nhẽo trong một quán Huế. Lúc lấy xe, Khang hỏi: " Bây giờ mình đi đâu?". Tuyền hỏi lại:"Khang muốn mình đi đâu?". Ngoài đường, các phố đã ngập đầy nước. Mưa vẫn chưa dứt nhưng nhỏ hạt lại. Trong lùng bùng áo mưa, Khang nói, Khang muốn về nhà thay quần áo. Họ đi về nhà Khang.
***
Tuyền nói, chúng mình ẩu quá, coi chừng Tuyền có bầu. Đèn đường hắt vào cũng đủ soi cho Tuyền thấy Khang cười âu yếm: "Thì chúng mình nuôi nó!", rồi Khang sửa lại: "Khang nuôi!".
Tự nhiên Tuyền thấy thật là tình nghĩa khi nghe Khang khẳng định như vậy. Tuyền đi lấy khăn lau mặt cho Khang. Khi cái khăn chạm đến, Khang chợt rùng mình như muốn . Khang không quen nhìn Tuyền như thế, Khang quen nhìn Tuyền lạnh lạnh, khó hiểu rồi.
Họ nằm, nhìn lên trần nhà và nhắc lại những câu chuyện từ cách đó 10 năm, lúc mới vào đại học. Đó là những câu chuyện lần nào gặp cũng nói và đã chết cứng lại rồi, nhưng kẻ hứng, người tung, còn có đối thoại. Bây giờ, Tuyền nghĩ, lại có thêm một câu chuyện để cùng nói. Tuyền nhắc lại: "Nhỡ đâu Tuyền có bầu?…" – "Thì chúng mình cùng nuôi!", Khang vui vẻ lặp lại.
***
Tuyền thấy mình quan trọng hẳn và tự nhiên thành mỏng manh. Tuyền thấy mình bước đi có hơi chậm lại, và mắt khi nhìn có dịu đi. Tuyền bỏ uống kháng sinh, dù còn phải uống tới hai ngày vì Tuyền đang viêm họng, bài học vỡ lòng cô gái nào cũng biết là không nên uống thuốc khi đang có bầu. Tuyền cũng bỏ đi chơi đêm, sợ về cảm lạnh. Nghe nói ba tháng đầu bị cúm là quái thai.
Bây giờ, Tuyền chỉ nghĩ tới đứa trẻ. Tự nhiên, Tuyền nghĩ nó là con trai. Có thể vì Tuyền thích gương mặt Khang, với mũi dài và mắt xếch. Cũng có thể vì suốt 10 năm, chưa bao giờ Tuyền chắc Khang thuộc về Tuyền, nên một đứa con sẽ là một sợi dây ràng buộc, mà con trai ắt dây phải chắc.
Tuyền không đợi nhưng Khang cũng không gọi lại. Vả lại, Tuyền nghĩ cũng hơi sợ, gọi lại thì nói cái gì bây giờ, có bao nhiêu chuyện thì hôm nọ nói cả rồi. Nhưng Tuyền định sẽ có hôm Tuyền nói, Khang đừng lo, Tuyền nuôi con một mình. Chỉ cho Tuyền xin con được mang họ mẹ. Cái mà Tuyền mong chờ, cuối cùng, rất mơ hồ, là Khang phản đối. "Con Khang là của Khang!", Khang sẽ sừng sộ. Rồi Khang sẽ đưa Tuyền đi siêu âm. Khang sẽ đi sau Tuyền khi Tuyền bước lên cầu thang. Khang sẽ chở Tuyền đi làm vào những buổi sáng Tuyền gọi điện than mệt. Cả cơquan sẽ phải xì xào trước cái bụng mỗi ngày mỗi lùm lùm. Tuyền sẽ không khai ra cho đến một hôm chỉ vào Khang hào hoa: "Bố của con em đó!"… Tưởng tượng đến khúc ấy thì Tuyền chán oặt cả người. Không, Tuyền muốn bí ẩn mặc áo bầu, Tuyền muốn mọi người tức tối khi Tuyền không chịu nói đó là con ai. Nói ra, câu chuyện đã khép lại.
***
Nhưng Khang vẫn không gọi lại. Tuyền đi qua cái điện thoại và hơi thắc mắc, có nên gọi cho Khang không. Nhưng nói cái gì? Tuyền không thể rủ Khang đi chơi. Tuyền thích mắt Khang cười, thích gia cảnh Khang, thích ngồi sau xe Khang đi ngoài phố cho mấy cô nhìn nhìn, nhưng phải đi chung, đi riêng thì gượng gạo. Tuyền cũng nhớ là mình chưa bao giờ lo cho Khang. Có vẻ như khó khăn nào Khang cũng thoát ra được, không phải bằng tài khéo, không phải bằng thông minh, mà bằng sự vô tâm. Khang vô tâm nên không có gì chạm đến Khang được. Cho nên Tuyền thắc mắc, có con rồi, Khang có yêu con không?
Tuyền sẽ yêu con như thế nào, Tuyền chưa biết. Tuyền vào cơ quan họp, nghe các chị bàn chuyện con cái mà tò mò. "Có con thì sao, có vui không?", Tuyền hỏi. "Vui lắm, nhưng mà cực. Cỡ em không biết có chịu nổi không!". Tuyền nghĩ, chịu nổi chớ. Hai mẹ con tôi ở với nhau. Buổi chiều mẹ qua nhà trẻ đón con ra, con mặc quần áo toàn bằng vải trắng, đi giày đỏ ; mặc thêm một cái gi-lê cho ấm, đội cái mũ có quai vào, đeo khẩu trang và cầm bong bóng, hai mẹ con mình về… Tuyền đi vào nhà sách, thấy bán cuốn dạy chăm sóc trẻ con. "Vừa nhấc bé bạn vừa phải nựng nịu bé ", hình minh hoạ có em bé nằm ngo ngoe cười. Trong sách, người ta chơi với trẻ con, tắm cho chúng, cho chúng ngủ… như với búp bê. Nhưng khi chúng bệnh hay khóc lóc chắc không ai chụp ảnh. Những lúc đó, những lúc khó khăn đó, Tuyền khựng lại… Tuyền không thể một mình. Tuyền muốn gọi cho Khang: "Nếu Tuyền có con, Khang có phiền không?". Rồi Tuyền thấy việc đó vô ích quá chừng, Khang sẽ nói, không có chi, chúng ta sẽ nuôi, rồi lại im lặng không gọi điện thoại, biết đâu không gọi cả lúc "con chúng ta bệnh?".
Tuyền không chắc đã có đứa bé trong bụng chưa nhưng tình cảm dành cho nó đã bắt đầu phai nhạt. Bây giờ thì Tuyền không chắc mình có còn yêu đứa bé không nếu không có bố nó bên cạnh và chỉ còn nó như một cục nợ.
Tuyền biết, Khang chỉ cần gọi điện hỏi thăm thôi là Tuyền sẽ yêu đứa bé chưa rõ ràng này ngay. Nó quả thực không phải là đứa con của tình yêu nhưng ít nhiều lúc đầu cũng là tình cảm. Chẳng phải là Tuyền đã cúi xuống vuốt tóc Khang và nói Khang đừng hút thuốc nữa như nói với một ông bố của đứa bé trong bụng sao? Nếu không có tí tình cảm nào với Khang thì việc gì Tuyền phải nghĩ về đứa bé? Tuyền chưa đến tuổi để có bằng được một đứa con. Tuyền còn trẻ. Tuyền đi ngang cái điện thoại và kêu thầm, Khang ơi, gọi lại đi, cho Tuyền có lại cái tinh thần yêu trẻ. Khang không gọi lại, Tuyền cảm tưởng như cáithai không lớn thêm được nữa. Tuyền thấy thương nó. Nó như một đứa nhỏ chờ ba về mới chịu ăn cơm và đói lả, Tuyền nói, con ăn trước đi rồi ba sẽ về nhưng nó không nghe. Cáithai chờ đợi và giờ thì Tuyền không còn nhìn ra nó là con gái hay con trai. Trong óc Tuyền, nó rút xuống hình ảnh của một cái bào thai, nằm co co, đầu rất to, như trong mấy cuốn tạp chí vẫn hay đăng ảnh.
***
Một buổi sáng thức dậy, Tuyền tự nhiên thấy ghét Khang kinh khủng và ghét cả mình. Mười năm đã qua kể từ cái ngày đầu tiên Tuyền làm quen Khang trong căng tin trường. Tuyền thích Khang và thấy Khang vừa đẹp, vừa dễ mến, vừa không quý báu đến nỗi để Tuyền không dám đến làm quen trước. Nếu Tuyền thích Khang hơn, Tuyền đã không làm quen như thế. Nếu tình cảm của Tuyền dành cho Khang lớn hơn, Tuyền đã phải giấu đi vì sợ nó có thể bị sây sát. Rồi Tuyền rủ Khang đi uống nước, rủ Khang ôn bài mà không ngượng ngùng hay cân nhắc. Có những lúc Tuyền không thích Khang nữa, Khang cũng không được trân trọng đến mức Tuyền không dám nói thẳng ra. Tuyền không hề ân hận rằng mình có làm tổn thương Khang hay không, bởi lần nào gặp lại cũng vẫn thấy Khang tươi tỉnh như cũ. Có vẻ như Khang không nhớ chuyện gì cả. Tuyền thấy phí, nếu có yêu, ghét gì dành cho Khang.
Bây giờ, Tuyền ghét mình vì tự nhiên Khang rất không quan trọng như thế mà làm cho Tuyền phải đánh giá lại bản thân: "Mình xấu quá phải không? Mình lố bịch quá phải không?". Tuyền ước gì Khang gọi lại và rủ đi chơi để Tuyền từ chối, trật tự cũ như vậy mớimong thiết lập lại được.
Mình già rồi, Tuyền nằm và nghĩ. Đời một người đàn bà chán thật với tuổi xuân không dài và càng về sau càng chỉ là chịu đựng và thất thế. Nhưng trước nay mình vẫn nói là không phải chịu đựng nếu mình không muốn chịu đựng cơ mà! Khi nào chán quá thì mình chết. Chừng nào còn chịu được thì cứ sống, bởi vì ai mà biết được, nhỡ đâu ngày mai có một chuyện vui rơi xuống đời? Nhớ lại cái ý nghĩ về việc mình có thể tự quyết cuộc đời mình làm Tuyền thích thú. Tuyền bò dậy mở nhạc. Cái đĩa bị hỏng, giật cục. Mới đêm qua nó còn hát bình thường. Sự trục trặc đáng bực lúc đầu ngày này tự nhiên làm Tuyền nhớ đến đứa bé, nếu có nó, mình còn tự quyết được đời mình không? Hay là mình phải sống theo nó, ngay cả khi đời mình không vui. Mà nó là ai, nó chỉ là đứa con của một người bạn trai, chưa bao giờ mình thật yêu và bây giờ thì thằng ấy làm mình khó chịu. Tuyền bỗng thấy sự tự do của mình bị đe doạ. Tuyền không nghĩ tới chuyện đứa bé ngăn cản Tuyền đi lấy chồng. Tuyền cũng không sợ việc nó không cho Tuyền đi du lịch. Tuyền chỉ sợ, nó không cho Tuyền quyết định khi nào chấm dứt cuộc đời Tuyền. Tuyền sẽ phải sống ngay cả khi không muốn sống nữa, chỉ vì nó. Mà Tuyền biết, Tuyền không thể bỏ nó. Tuyền sợ đẻ con ra không phải như mua búp bê về. Búp bê chơi chán thì cho ai đó hay bỏ vào tủ xong quên hẳn. Con thì không cho được trong khi Tuyền cũng không chắc có một ngày nào mình sẽ chán con không.
Tuyền không muốn nghĩ nữa. Tự nhiên Tuyền sợ đứa bé không khỏe nếu Tuyền cứ nghĩ mãi như thế này. Tuyền thấy thương nó và thương cả mình. Tuyền nghĩ nó đang nằm trong hồ nước và những nghĩ ngợi đen tối của mình làm cái hồ nổi sóng. Nó sẽ rất mệt, Tuyền tưởng tượng, và rồi nó yếu thần kinh. Tuyền muốn hai mẹ con yên bình, Tuyền gọi cho Khang. Máy ở nhà Khang không ai bắt, chắc Khang đi làm. Tuyền gọi theo Khang ra đường, máy di động bảo là " Nghẽn mạch ". Không gọi được, Tuyền lại tự an ủi, thôi thế là may, biết đâu Khang nghĩ là mình muốn ràng buộc rồi nói nặng thì sao. Tuyền hú vía.
***
Bây giờ thì Tuyền đã không còn tưởng tượng ra nổi khuôn mặt của đứa bé vì thấy nó như không liên hệ gì đến Khang. Khang vẫn không gọi điện lại và Tuyền cũng mất hẳn sự đắn đo có nên gọi cho Khang hay là không. Tuyền không còn thắc mắc mảy may "Giờ này Khang ở đâu?". Tuyền không hề âu lo: "Hay Khang gặp chuyện gì?". Tuyền cũng chẳng còn thù oán hay trách móc. Tuyền soi gương và thấy mình tự nhiên khắc khổ. Đứa bé trong bụng bây giờ là của Tuyền. Một mình Tuyền đối đầu với nó. Buổi tối Tuyền lên kế hoạch chi tiêu nếu có nó. Một người giúp lúc mới sanh mà cũng có thể không cần, tự Tuyền xoay xở được. Tã và quần áo. Sữa và đồ chơi. Có nó Tuyền sẽ không đi làm thêm được, một mình lương chỉ đủ lúc nó không bệnh hoạn. Tuyền không tính phần Khang vào đây. Tuyền cộng bản dự toán lại và mệt mỏi khi thấy nó vừa khít tiền lương, không còn thừa lại một đồng nào có nghĩa là sẽ thiếu. Tuyền thấy vô lý quá và tức đến muốn đập nát cả cái máy tính. Tự nhiên một buổi tối nằm mơ thấy Khang, rồi hôm sau Khang gọi điện, và rồi Tuyền đang tự do hết mực bây giờ lại phải đau đầu vì cái kết quả của cuộc gặp nhau đó. Tuyền tức giận, mình đang thoả hiệp đây, và chuyện này sẽ đem đến những kết quả không thay đổi được. Mọi chuyện mình đều có thể thí nghiệm, trừ việc thí nghiệm có một đứa con. Mình không chuẩn bị để có việc này. Mình còn nhiều việc phải làm. Mình bắt nó làm người khi chưa chuẩn bị gì cho nó. Mình tung nó ra cuộc đời trong khi chính mình nhiều lúc muốn từ bỏ. Mình chưa muốn có con. Mình không muốn có con…
***
Nhưng Tuyền không phải làm gì cả, đứa bé ấy không có. Khi biết mình không có bầu, Tuyền đang ngồi trên xe lửa. Tuyền nằm lắc lư, lắc lư trên cái võng của một người đi buôn. Tự nhiên Tuyền thấy hụt hẫng và buồn vô kể. Không phải là buồn phát khóc hay là muốn chết, hay là nghẹn ngào; Tuyền chỉ thấy buồn, có phần hỗn độn vô lý, như những ngày thi căng thẳng vừa hết, như những năm học cực nhọc vừa xong, vừa nhẹ gánh vừa man mác… Mà so sánh như vậy cũng sai nốt, Tuyền chỉ thấy cuộc đời trước mặt mình thăm thẳm, mới cách đây ít giờ nó còn rõ ràng, các nhiệm vụ nó đặt ra đáng ghét, nặng nề, nhưng cụ thể… Tuyền thấy thương đứa bé không có thực ấy, mình đã tính toán chi li với nó, Khang cũng phải mất công trốn nó, mà nó có thực đâu. Tuyền định khi nào xuống ga rồi sẽ gọi cho Khang, giống như hồi bé chơi trốn tìm báo cho nhau: "Ra đi!", nhưng chỉ thoáng nghĩ thế thôi trong một giây rồi mất ngay, bởi hình ảnh của Khang tự nhiên mờ mịt. Nó mờ nhanh quá làm Tuyền cũng hoảng nhưng quả thực nó mất hẳn rồi. Tuyền không muốn nghĩ nữa, bây giờ thì không phải vì sức khoẻ của đứa bé, mà chỉ vì Tuyền muốn quên đi. Tuyền nằm lắc lư, lắc lư và ngủ thiếp đi, không nghe cả tiếng còi tàu rúc lên khi vào đến sân ga tỉnh lẻ…
Cuộc sống thay đổi..khi ta thay đổi….
Có con – Tác giả: Phan Thị Vàng Anh

No comments:

Post a Comment

để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))