Ngày mới bắt đầu với em là lúc cô y tá có khuôn mặt hiền hậu, có giọng nói rất ngọt ngào đến bên cạnh vào lúc 5h30’.
- Cặp nhiệt độ và đo huyết áp nhé cháu. Đêm qua thế nào, có mệt lắm không? Cô đỡ cháu ngồi dậy cho đỡ mỏi nhé.
- Cháu cám ơn cô ạ (Cô y tá là người tốt, phải không anh?).
Ngôi dậy, nhìn các giường bên cạnh, mọi người đã dần thức giấc. Bác Hảo đang lau mặt cho người vợ yêu quý của mình. Hai bác đã hơn 70 tuổi nhưng nhìn bác trai chăm sóc bác gái, anh sẽ thấy tình yêu vượt qua thời gian và tuổi tác. Tiếng bác Hảo hỏi em nhẹ nhàng.
- Con có muốn ăn sáng gì không? Bác đi tập thể dục một lúc rồi mua luôn cho con nhé.
- Con cám ơn bác. Bác mua dùm con cái bánh mỳ không ạ. Con cũng không thấy đói.
- Con phải ăn thì mới có sức chứ. Phải gắng lên con à.
Em im lặng, lúc nào em cũng cố gắng mà anh (Bác Hảo là người tốt, phải không anh?).
Đến giờ người nhà phải ra ngoài, đó là quy định của bệnh viên. Nhưng ai cũng cố nán thêm một chút, giúp người bệnh thêm một chút và dường như đối với họ, thời gian bên ngoài phòng bệnh là khoảng thời gian chậm chạp nhất trong ngày.
Đúng 7h00’, anh bác sĩ tên Đức với cặp kính dày cộp, dáng cao gầy bước vào phòng. Sáng nào cũng vậy, chính xác đến từng phút. Anh đi từng giường bệnh, lắng nghe, hỏi han và dặn dò từng bệnh nhân. Anh còn rất trẻ nhưng lại là con người tận tâm với công việc, nhiệt tình giúp đỡ tất cả bệnh nhân trong phòng. Em còn nhớ, cái đêm em phải trải qua cơn đau khủng khiếp, mơ màng với những giấc mơ kinh dị, em những tưởng mình không thể vượt qua được. Nhưng những lúc chợt tỉnh, em vẫn nhận ra khuôn mặt của anh Đức rất gần bên cạnh, khuôn mặt ấy như động viên, khích lệ, như muốn em tin rằng em còn có cơ hội, mọi người luôn bên cạnh và sẽ làm tất cả vì em (Anh bác sĩ Đức là người tốt, phải không anh?).
Rồi tiếng leeng keeng của xe đẩy thuốc cũng dần đến cửa phòng. Ngày nào em cũng phải tiêm, phải truyền, phải uống rất nhiều thuốc. Hai cánh tay em dường như không còn là của chính em nữa. Tiếng y tá Tâm hỏi em.
- Chị còn đau vết truyền cũ không? Chắc bị lệch ven, chị à. Em sẽ truyền cho chị bằng kim bướm nhé. Sẽ không đau đâu ạ.
- Chị cám ơn.
- Nếu đau thì chị nói ngay với em nhé.
Giọng Tâm thật nhẹ nhàng, như một đứa em gái chăm sóc chị ruột mình ý (Tâm là người tốt, phải không anh?).
Ăn trưa, sao em ghét đến giờ này vậy. Lâu rồi em không có cảm giác đói, cũng chẳng thấy thèm ăn chút nào. Nhưng em phải ăn, ăn mới có sức chiến thắng bệnh tật, anh nhỉ. Giường đối diện, anh Nhân vừa bón cháo cho vợ, vừa động viên và trêu em.
- Hay để tôi nhờ anh nào đến bón cháo cho cô nhé. Tôi mà nói một tiếng thì có đến hai hàng người xếp trước cửa phòng mình ý.
Cả phòng bật cười, mọi người rôm rả hẳn lên. Anh Nhân lúc nào cũng vậy, sống rất lạc quan, cười suốt ngày với hàm răng trắng giữa khuôn mặt đen nhẻm vì nắng gió miền trung. Anh ra Hà Nội chăm vợ và phải làm thêm nghề xe ôm để có thu nhập. Anh chị còn hai đứa con nhỏ để lại quê nhà cho ông bà nội nuôi. Anh từng tâm sự với em là nhớ tụi nhỏ lắm mà chẳng dám về vì còn vợ không ai chăm. Có những đêm, nghe tiếng khóc thút thít của chị vợ nhớ con và lời động viên của chồng mà em không cầm được nước mắt. Anh chị nghèo thế nhưng với bất kỳ ai trong phòng cần phải đi đâu, anh chẳng bao giờ giúp mà lấy tiền (Anh Nhân là người tốt, phải không anh?).
Một ngày dần trôi qua, cuộc sống như giản đơn hơn trong bốn bức tường của phòng bệnh. Nhưng ngoài kia, cuộc sống vẫn ồn ào và tấp nập, con người vẫn luôn dành cho nhau biết bao điều tốt, anh nhỉ?
21h30’, em dần chìm vào giấc ngủ với nụ cười còn nở trên môi. Em sẽ mơ tiếp những giấc mơ về hạnh phúc và lại đón chào một ngày mới bắt đầu với những điều tốt đẹp chắc chắn sẽ đến với em???
No comments:
Post a Comment
để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))