Trong chương trình thi "Sao mai" tối ngày 29/11/2009, thí sinh Hoàng Lệ Quyên đã hát sai lời trong bài hát "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến. Đây là cuộc thi lớn đòi hỏi thí sinh phải chứng tỏ được chất giọng, kỹ thuật và cả độ chuyên nghiệp trên sân khấu, vậy mà đến tận vòng trong vẫn còn thí sinh hát sai lời thì thật khó chấp nhận.
Nhưng dường như hiện tượng này đang dần trở nên phổ biến và dễ dàng được... bỏ qua. Họ đâu biết rằng, việc hát sai lời như vậy không chỉ là sự coi thường khán giả mà còn làm buồn lòng tác giả...
Để giải thích cho trường hợp thí sinh Hoàng Lệ Quyên hát nhầm lời, nhiều người cho rằng vì cô còn quá trẻ, dễ bị hồi hộp ở các cuộc thi lớn, và việc nhầm từ "có người lính" (trong bài hát) thành "của người lính" là không mấy nghiêm trọng. Như ca sĩ Quốc Thiên, trong chương trình Việt Nam Idol cũng thừa nhận mình đã quên lời khi thể hiện ca khúc "Son" của nhạc sĩ Đức Nghĩa (từ "xoay vần còn quay quay" thành "quay vần còn quay quay"), khiến bài hát trở nên ngu ngơ, lộn xộn.
Trong nhiều đêm nhạc lớn tôn vinh các nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Từ Huy... có đến quá nửa các ca sĩ hát sai lời, từ hàng diva cho đến các ca sĩ trẻ. Các nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn, rất nhiều người thuộc lòng, vậy mà nhiều ca sĩ vẫn hát sai, như trong bài "Một cõi đi về", mấy chữ "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì" lại hát thành "thổi xuống" hay "thổi buốt" thì đúng là mất hẳn ý nghĩa. Hay như câu "Có con đò chở mưa nắng đi" (trong bài "Em còn nhớ hay em đã quên") hát thành "có con đường chở mưa nắng đi". Một con đò nhọc nhằn nắng mưa bỗng chốc bị đổi cứng quèo thành "con đường". Trong bài "Biết đâu nguồn cội" lời của bài hát là "Em đi qua chuyến đò, thấy con trăng đang nằm ngủ" thì có ca sĩ lại hát "thấy con trâu đang nằm ngủ", từ một hình ảnh lãng mạn hóa ngay thành hình ảnh trần trụi.
Siu Black trong chương trình "Một mình" của Thanh Tùng, đã bỏ hẳn bài "Đến đây cùng Trị An", chứ không nỡ làm hỏng bài hát của nhạc sĩ. |
Ai cũng biết ca sĩ bây giờ chạy "sô" nhiều, ít thời gian chăm chút cho từng bài hát, nhưng không thể vì thế mà tự tiện sửa lời bài hát. Vì thuộc lời là cách ca sĩ nhập tâm để thể hiện bài hát một cách biểu cảm nhất. Thà rằng như ca sĩ Hoàng Hải trong chương trình "Bài hát Việt" khi lên sân khấu đã cẩm cả bản nhạc để hát (vì bài hát quá mới), hoặc như Siu Black trong chương trình "Một mình" của Thanh Tùng, đã bỏ hẳn bài "Đến đây cùng Trị An", chứ không nỡ làm hỏng bài hát của nhạc sĩ.
Một số nhạc sĩ sáng tác không nhiều nhưng đã có những nhạc phẩm đi cùng năm tháng, vậy mà lại bị các ca sĩ làm hỏng. Như trong chương trình "Lá đổ muôn chiều" của Đoàn Chuẩn vừa mới diễn ra cách đây không lâu, ca sĩ hàng đầu Thanh Lam đã hát sai lời trong bài "Gửi người em gái miền Nam", từ câu hát "Một người em gái thiếu tình thương" thành ra "một người em gái nhớ người thương", làm thay đổi hẳn nghĩa của bài. Trong bài hát "Thơ tình cuối mùa thu" của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, phổ thơ Xuân Quỳnh, câu thơ nhạc sĩ tâm đắc "mùa thu vào hoa cúc" và cho là rất sâu sắc của nhà thơ đã bị hát sai thành "mùa thu và hoa cúc", hay "mùa thu vàng hoa cúc", chỉ một từ "vào" bị thay mà từ hình ảnh tinh tế trở nên tầm thường, kém cảm xúc.
Nhạc sĩ Hoàng Dương cũng không ít lần muốn đính chính với khán giả câu hát trong bài "Hướng về Hà Nội" của mình. Có quá nhiều câu sai, trong đấy mất hẳn từ "tiếng guốc" trong câu "thanh bình tiếng guốc reo vui" (bị hát thành "tiếng hát"). Với ông, tiếng guốc - đó là âm thanh riêng của Hà Nội, vậy mà thay bằng "tiếng hát" thì còn gì là... Hà Nội nữa. "Hãy tin ngày ấy anh về" thì hát thành "Cứ tin ngày ấy anh về" và câu hát "Nỗi lòng gửi gắm cho nhau, nhớ hoài chỉ biết thương đau, đắm say chờ những kiếp sau..." thì bị hát thành "đắng cay chờ những kiếp sau..." làm tác giả đâm ra băn khoăn về vốn văn hóa của người thể hiện.
Trong lời mở đầu rất nên thơ của bài "Bến Xuân" (nhạc sĩ Văn Cao): "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ Em đến tôi một lần" đã bị hát thành "em đến chơi một lần" hay "em đến thăm một lần", chỉ một chữ mà mất hết cả hồn phách của câu hát.
Hiện nay, với tình trạng người sau cứ chọn "bài tủ" (đã bị hát sai) của các ca sĩ ngôi sao mà tập theo, hẳn sự "tam sao thất bản" sẽ còn nhiều hơn nữa. Nhiều người lo sợ rằng, cứ kiểu hát sai câu sai chữ thế này, chỉ dăm năm nữa, công chúng sẽ không còn thấy được những mơ mộng, lãng mạn, những ca từ bay bướm của Đoàn Chuẩn, Hoàng Dương, Văn Cao... nữa.
Lỗi mắc nhiều nhất của các ca sĩ hiện nay là việc chuyển đại từ, từ "anh" thành "em" và ngược lại. Những bài "Giọt nắng bên thềm", "Hoa cỏ mùa xuân", "Sao chưa thấy hồi âm"... mới đầu chuyển đại từ nghe ra rất đơn giản nhưng càng hát càng thấy phi lý, vì tâm trạng trong bài hát lúc ấy đã được mặc định từ trước, không thể đổi được. Mỹ Linh trong lần trình diễn "Bức thư tình đầu tiên" của nhạc sĩ Đỗ Bảo đã "chuyển giới" để hát "...và em sẽ là người đàn ông..." khiến cho cả khán giả và nhạc sĩ ngồi dưới phải bụm miệng cười (bài này vẫn được xem là "bài tủ" của ca sĩ Tấn Minh).
Ca sĩ Thanh Lam và Tùng Dương trong chương trình “Lá đổ muôn chiều” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. |
Bậc đàn chị Thanh Lam cũng có lần chuyển đại từ trong "Này em có nhớ" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, khiến không ít người lên tiếng phản đối. Chữ "em" - một người con gái phụ bạc, đã khiến "tôi" - người nam phải giận dữ, buồn phiền một cách rất đàn ông, thì nay bỗng chốc bị đổi ngược lại làm mất hết cả tính tự sự đầy biểu cảm trong nhạc Trịnh Công Sơn. Hay như bài "Em và tôi" của nhạc sĩ Thanh Tùng cũng là cách kể của người đàn ông, thì bỗng chốc bị đổi thành "Anh và tôi".
Có những ca khúc mà tốt nhất không nên đổi đại từ, dù có là ca sĩ nam hay nữ, vì đơn giản là ta cần thể hiện đúng tinh thần của tác giả. Như trong bài "Đợi" của Huy Thục (phổ thơ Vũ Quần Phương), chính nhà thơ đã nói không tưởng tượng được các nam ca sĩ khi hát bài này, ai lại đàn ông đợi "lạ thành quen", rồi lại đợi đến "quen thành lạ". Nhà thơ Xuân Quỳnh khi được nghe bản nhạc đầu tiên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ thơ bài "Thuyền và biển" của chị cũng đã có chút tiếc nuối, mong muốn được giữ nguyên câu thơ "Nếu phải cách xa anh/ Em chỉ còn bão tố" vì theo nữ thi sĩ, cơn bão tố trong lòng một chàng trai đâu có gì ghê gớm hãi hùng bằng bão tố trong lòng một cô gái.
Các nhạc sĩ ít nhiều đều đã lưu ý ca sĩ khi hát sai, thậm chí có nhạc sĩ còn tập dượt cho ca sĩ khi thể hiện ca khúc của mình cả tháng trời. Nhạc sĩ Trần Tiến quan niệm: "Mỗi một ca từ là một giọt máu của người nhạc sĩ, cả đời sáng tác đôi khi chỉ chắt lọc được một đại từ, vậy mà nhiều ca sĩ lên biểu diễn lại hát sai lời, quên lời, nhiều khi còn bịa lời, với tôi đó là một đau đớn. Câu hát khác "Nhớ chiếc hôn đầu tiên em chưa dành cho anh" bị hát thành "Nhớ chiếc hôn đầu tiên em không dành cho anh". Chỉ sai một từ, là sai cả nội dung lẫn cảm xúc của bài hát".
Ở thời đại "xem nhiều hơn nghe" khiến các ca sĩ mải mê phô diễn bản thân, diễn sao cho đẹp và gợi cảm là được, thành thử họ quên lời cũng là chuyện... thường ngày ở huyện. Có ca sĩ đã biện hộ: "Chúng tôi không phải là máy, điều quan trọng nhất là cảm xúc của bài hát, nếu ca sĩ chuyển tải thành công cảm xúc của tác giả như thế đã được cho là khá rồi". Cũng có nhạc sĩ như Thanh Tùng hay Hồ Hoài Anh cho rằng, quan trọng là cảm xúc bài hát, chứ ca từ cũng chỉ là một phần, bản thân họ cũng có khi nhầm lời bài hát của chính mình.
Thiết nghĩ, muốn hát hay, trước hết ca sĩ phải có chất giọng tốt, phải thấm từng lời, từng ý mà người nhạc sĩ muốn gửi gắm, có vậy mới cảm được cái tinh tế của bài hát rồi từ đó truyền tải được đến người nghe. Lời bài hát là một phần quan trọng trong ca khúc, nó không chỉ góp phần tạo nên thành công cho giai điệu mà còn thể hiện cái tôi của nhạc sĩ, dù đó có là tác phẩm phổ thơ. Các ca sĩ biểu diễn không chỉ với lòng say mê nghệ thuật, mà họ còn biểu diễn vì mục đích kinh tế, vì vậy, để lấy được sự mến mộ của khán giả, các ca sĩ cần có thái độ làm việc cẩn trọng và nghiêm túc hơn, như vậy vừa thể hiện được sự chuyên nghiệp vừa tôn trọng nhạc sĩ và cả khán giả.
Theo Tường Hương
No comments:
Post a Comment
để lại nhận xét của bạn để chúng tôi phục vụ bạn tốt hơn
=))